Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Đu' cổ phiếu thép

Chứng khoán

17/05/2021 07:39

Giá thép tiếp tục tăng cao nên nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn đang thu hút dòng tiền, dù giá tăng 3-4 lần so với mức đáy năm 2020.

Giá thép tăng phi mã

Các sản phẩm thép ở thị trường trong nước và thế giới liên tục tăng giá từ đầu năm đến nay.

Giá nguyên liệu quặng sắt trên toàn cầu vượt mức 200 USD/tấn, căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Australia, lo ngại thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…, khiến giá quặng và thép tăng phi mã trong thời gian qua.

Sau khi rớt xuống đáy khoảng 460 USD/tấn trong năm 2020, giá thép cuộn cán nguội tiêu chuẩn ở Mỹ hiện đã tăng lên 1.500 USD/tấn, tương đương gấp hơn 3 lần. Đây là một mức giá kỷ lục và gấp khoảng 3 lần so với giá thép bình quân 20 năm qua ở Mỹ.

Tại thị trường Trung Quốc, giá thép cây và thép cuộn cán nóng tại ngày 12/5/2021 lập đỉnh mới, do các mối lo ngại về hạn chế sản lượng và nhu cầu mùa vụ đạt mức cao đỉnh điểm. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 đạt 6.086 CNY/tấn (947,15 USD/tấn); giá thép cuộn cán nóng đạt 6.540 CNY/tấn; giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 đạt 15.395 CNY/tấn.

Với thị trường thép trong nước, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục tăng kéo theo giá bán mặt hàng này tăng theo. Giá thép xây dựng đầu tháng 5/2021 lên hơn 19.000 đồng/kg (Hòa Phát báo giá thép cuộn ở mức 19.400 đồng/kg), cao hơn khoảng 50% so với mặt bằng giá năm ngoái.

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, nhu cầu mặt hàng thép vẫn cao trong tháng 5, song có sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu.

Về diễn biến giá thép leo thang trong thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, cần nhìn nhận ở góc độ cung - cầu. Về phía cung, Trung Quốc kiên quyết với mục tiêu sản lượng thép năm 2021 phải thấp hơn năm 2020.

Quý I/2021, sản lượng thép tăng 37 triệu tấn so với quý I/2020, nghĩa là, nếu muốn sản lượng cả năm thấp hơn năm ngoái thì nửa cuối năm sẽ phải tăng cường quản lý và giảm cung, tức sản lượng càng về cuối năm càng giảm.

Để mở đường cho điều này, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế xuất khẩu, mục tiêu là giữ lại nguồn cung phục vụ thị trường nội địa.

Ở các nước khác như Ấn Độ, với việc dịch Covid-19 bùng phát, sản lượng thép bị ảnh hưởng, qua đó các nhà máy thép liên tục nâng giá chào bán. Trong khi đó, tại Nhật Bản, sản lượng thép thô suy giảm; tại EU, sản lượng sản xuất liên tục giảm trong các năm qua và trở thành nhà nhập khẩu ròng thép…

Nhìn chung, nguồn cung thép vẫn đang bị gián đoạn và chưa thể bắt kịp nhu cầu, trong khi nhu cầu thép thế giới năm 2021 được dự báo tăng 5,8% so với năm 2020 và vượt mức tiêu thụ năm 2019.

Xét ở góc độ chi phí, việc gián đoạn khai thác quặng - nguyên vật liệu đầu vào chính của ngành thép vì Covid-19, kết hợp với nhu cầu sử dụng tăng đã thúc đẩy các thương nhân tăng cường thu mua, đẩy giá quặng lên mức cao kỷ lục.

Bên cạnh đó, một nguyên liệu đầu vào khác là than (chiếm khoảng 15 - 20% giá vốn ngành thép) cũng tăng cao do căng thẳng thương mại Trung Quốc - Úc. Theo đó, chi phí đầu vào của các nhà sản xuất thép gia tăng, khiến giá bán tăng theo.

Thông thường, do vị trí địa lý và chu trình hàng hải, tồn kho quặng sẽ nằm trong khoảng 1,5 - 4 tháng đối với các doanh nghiệp sản xuất thép. Việc này ảnh hưởng tới giá vốn cũng như giá bán thép theo từng quý. Giá thép có khả năng sẽ tạo mặt bằng mới trong thời gian tới, cho đến khi có sự cải thiện rõ rệt về nguồn cung toàn thế giới và sự suy giảm của giá quặng.

Giá thép tăng cao giúp lợi nhuận trong quý đầu năm 2021 của các doanh nghiệp ngành này tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.

Chẳng hạn, quý I/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt lợi nhuận sau thuế 7.005 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đạt 1.035 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đạt gần 262 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) đạt gần 319 tỷ đồng, gấp 7,7 lần cùng kỳ.

Cổ phiếu thép liệu có còn dư địa tăng?

Cổ phiếu thép vốn là nhóm cổ phiếu chu kỳ, thích hợp cho việc mua và nắm giữ theo chiến lược đầu tư giá trị. Thống kê những cổ phiếu tăng giá mạnh trên nhiều thị trường chứng khoán như Mỹ, Pháp và cả Việt Nam cho thấy, nhóm cổ phiếu thép (tài nguyên cơ bản) khi vào chu kỳ tăng dựa trên yếu tố cơ bản là triển vọng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp thì giá tăng rất mạnh.

Ít nhất 4 nhóm ngành đang có triển vọng sáng về kết quả kinh doanh trong năm nay là ngân hàng, công nghệ/viễn thông, dầu khí và thép.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS cho biết, ít nhất 4 nhóm ngành đang có triển vọng sáng về kết quả kinh doanh trong năm nay là ngân hàng, công nghệ/viễn thông, dầu khí và thép.

Giá cổ phiếu thép đã tăng cao trong thời gian qua, liệu có còn dư địa tăng? Cổ phiếu HPG đang giao dịch ở mức trên 60.000 đồng/cổ phiếu, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn được không ít công ty chứng khoán nhận định, giá mục tiêu khoảng 70.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu HSG, NKG... cũng có khả năng tiếp tục tăng giá.

Xét lịch sử hoạt động của các doanh nghiệp thép (so sánh với giai đoạn 2021 - 20216) cũng như thực trạng hiện nay thì khả năng tạo doanh thu, lợi nhuận của nhóm thép đang khá vững, triển vọng tốt có thể kéo dài đến cuối năm 2021.

Tuy nhiên, rủi ro đến từ việc giá cổ phiếu tăng nhanh là điều mà các nhà đầu tư cần chú ý để phân bổ vốn đầu tư, hoặc điều chỉnh tỷ trọng nắm giữ cho phù hợp, chuyển sang nhóm ngành khác có mức giá hấp dẫn hơn.

Anh N.T. Trung, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, thị trường chứng khoán là thị trường của kỳ vọng và nhiều người vẫn "đặt cược" vào cổ phiếu thép, nhưng nhà đầu tư cũng nên lường trước kịch bản giá thép sẽ điều chỉnh giảm, kéo giá cổ phiếu giảm theo.

Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu xây dựng, nhất là thép tăng phi mã, làm vượt dự toán các dự án xây dựng ban đầu, nhiều chủ đầu tư có thể tính đến việc tạm dừng triển khai dự án.

Thực tế, các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng trong nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, thậm chí phá sản, vì giá thép liên tục tăng.

Giá thép tăng vọt còn ảnh hưởng chung đến nền kinh tế, một mặt không giải ngân được đầu tư công do dự toán xây dựng tăng cao, một mặt lạm phát gia tăng, nhất là khi lạm phát giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/2020 là con số rất thấp.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, giá thép tăng đang có tác động tiêu cực lên nhiều nhóm ngành khác, nhất là xây dựng hạ tầng và xây dựng dân dụng.

Tình trạng này dẫn tới kiến nghị kiểm tra nguyên nhân giá thép tăng, đề xuất các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường xây dựng, cũng như khả năng hoãn, giãn thực hiện dự án. Theo đó, nhiều người có thể đang suy nghĩ về việc giá thép tăng mang tính ngắn hạn, không bền vững và giá cổ phiếu các công ty thép bắt đầu cao.

Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhìn nhận, đà tăng của giá thép từ đầu năm 2021 đến nay là yếu tố hỗ trợ cho kết quả kinh doanh quý I và có thể là quý II của các công ty thép có sự tăng trưởng mạnh, qua đó tạo động lực cho giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, thép là loại hàng hóa có giá biến động rất mạnh, nên lợi nhuận đột biến nói chung của các công ty thép là yếu tố nhất thời. Hơn nữa, định giá cổ phiếu thép ở mức hiện tại không còn rẻ.

Ông Trần Bá Trung, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Chúng tôi cho rằng, việc nhóm cổ phiếu thép thu hút dòng tiền lớn thời gian gần đây đã phản ánh hợp lý kỳ vọng của thị trường về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2021.

Hàng loạt thông tin tích cực đã hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu thép như: 1) Tăng trưởng lợi nhuận quý I/2021 ấn tượng cùng kế hoạch kinh doanh tham vọng của các doanh nghiệp trong năm 2021; 2) Giá bán thép trong nước tiếp tục tăng trong tháng 4 - 5/2021 theo đà tăng của giá thép thế giới, với mức tăng lớn hơn sự thay đổi giá nguyên vật liệu đầu vào; 3) Nhu cầu thép thế giới dự báo tiếp tục tăng khi các quốc gia phục hồi sản xuất sau Covid-19 và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm kích thích kinh tế; 4) Trung Quốc hủy hoàn thuế xuất khẩu các sản phẩm thép từ tháng 5/2021 và căng thẳng Trung Quốc - Úc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thép Việt Nam so với quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Chúng tôi kỳ vọng, kết quả kinh doanh ấn tượng của các doanh nghiệp ngành thép sẽ được duy trì tối thiểu đến quý 3/2021 nhờ vào việc 1) giá bán thép được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao đến quý 3/2021 và 2) một số doanh nghiệp đầu ngành (HPG, HSG, NKG,…) đã chốt được số lượng đơn hàng đến quý 3/2021.

Trong khoảng thời gian sau đó, do đặc thù của ngành chu kỳ, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép sẽ bị thử thách khi giá bán thép đảo chiều giảm, đặc biệt là khi lượng hàng tồn kho giá thấp được tiêu thụ hết.

Nếu trường hợp này xảy ra, chúng tôi tin rằng HPG sẽ là một trong số ít doanh nghiệp có khả năng duy trì mức biên lợi nhuận tốt khi công ty hiện đang sở hữu vị thế dẫn đầu thị trường, sản xuất quy mô lớn và kỹ năng quản lý hàng tồn kho đã được chứng minh.

Chúng tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu thép vẫn có khả năng tăng giá với yếu tố hỗ trợ là triển vọng kết quả kinh doanh quý II tiếp tục tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng trong những phiên giao dịch sắp tới khi thị giá của cổ phiếu các doanh nghiệp thép dần đi vào vùng định hợp lý so với kế hoạch kinh doanh năm 2021.

HOÀNG MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement