Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dự báo quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 15 tỷ USD trong năm 2020

Doanh nghiệp

26/06/2020 06:01

Quy mô thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Đáng nói, sau đại dịch COVID-19, ngành thương mại điện tử có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn trước.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử toàn quốc đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2016- 2019 khoảng 30%.

Riêng năm 2019, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Theo đà đó, VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình trong thập niên 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong toàn khối ASEAN.

Tuy nhiên, những dự báo lạc quan trên được đưa ra ngay từ đầu năm 2020, đến nay ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4, hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn.

Nhưng VECOM cho biết, lĩnh vực thương mại điện tử vẫn chứng kiến hai tín hiệu tích cực. Trước hết, COVID-19 được xem như một chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử gần như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong 3 tháng cao điểm của dịch. Đáng mừng hơn khi kế hoạch sắp tới của các doanh nghiệp đều muốn tăng nhân sự trong nửa cuối năm 2020.

Theo VECOM, các doanh nghiệp đang hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm này.

Nielsen Việt Nam cũng vừa công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến người Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy có 65% người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho sản phẩm tốt và đảm bảo sức khỏe. 59% người chọn mua hàng nội địa do biết nguồn gốc và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, có 64% người dùng cho rằng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau COVID-19 và 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn.

Do đó, theo ông Nguyễn Anh Dzũng, Giám đốc cấp cao dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Vietnam, với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần phải thích ứng. Ông cho rằng, các ngành kinh doanh cần mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng, chuyển đổi danh mục sản phẩm, tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng,…

Sau giai đoạn cao điểm COVID-19, người dân ngày càng thích mua sắm trực tuyến. Ảnh: Tất Đạt
Sau giai đoạn cao điểm COVID-19, người dân ngày càng thích mua sắm trực tuyến. Ảnh: Tất Đạt

“Mặc dù cơ hội để thương mại điện tử Việt Nam vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững là rõ ràng, nhưng rất nhiều thách thức vẫn ở phía trước”, Hiệp hội lưu ý. Một trong những thách thức nổi bật là sự phát triển không cân đối giữa thương mại điện tử ở Hà Nội và TP.HCM với các địa phương còn lại.

Theo thống kê của VECOM trong năm 2019, Hà Nội và TP.HCM dù chỉ chiếm 18% dân số nhưng lại nắm trong tay trên 70% giao dịch thương mại điện tử của cả nước. Điều này có nghĩa là 82% dân số còn lại chỉ đóng góp chưa tới 30% vào quy mô thương mại điện tử. Đáng chú ý là tỷ trọng này luôn ổn định trong cả giai đoạn 2016 - 2019 và chưa có dấu hiệu thay đổi trong những năm tới.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement