Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nhân Trương Văn Bền và giai thoại xà bông Cô Ba

Tài chính

01/02/2020 08:11

Hình ảnh sản phẩm xà bông Cô Ba xuất hiện tại một số siêu thị khiến người tiêu dùng nhớ về thương hiệu nức tiếng một thời.

Thời gian gần đây người tiêu dùng khá thích thú khi nhìn thấy lại sản phầm xà bông Cô Ba xuất hiện tại các hệ thống siêu thị. Tuy xuất hiện khiêm tốn tại một góc nhỏ nhưng hình ảnh thân quen ấy khiến nhiều người tiêu dùng bồi hồi nhớ lại sản phẩm từng hô mưa gọi gió một thời. 

Cha đẻ của xà bông Cô Ba

Xà bông Cô Ba có màu xanh nhạt in hình một người phụ nữ Việt Nam với tóc búi cao, trán rộng từng làm mưa làm gió trên thương trường lúc bấy giờ. Xà bông Cô Ba có công thức rất đơn giản: 72% là dầu dừa, còn lại là xút và hương liệu.

Cha đẻ của xà bông Cô Ba là ông Trương Văn Bền (1883-1956) được sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Từ bé, ông đã quen với khung cảnh giao thương mua bán tấp nập, và máu kinh doanh cũng thấm vào người ông.

Cha đẻ của xà bông Cô Ba là ông Trương Văn Bền. 
Cha đẻ của xà bông Cô Ba là ông Trương Văn Bền

Ông học giỏi và được Pháp tuyển dụng làm ký lục thượng thư nhưng chỉ hai năm ông nghỉ làm để về buôn bán ở cửa hàng của gia đình. Đến năm 1905, ông mở một xưởng sản xuất và tinh luyện tinh dầu ở Thủ Đức. Xưởng làm ăn phát đạt nên ông có tiền mở tiếp hai nhà máy xay xát gạo ở Chợ Lớn, rồi mở khách sạn nhưng lợi nhuận chủ yếu vẫn từ xưởng tinh dầu.

Đến năm 1918, ông Bền mở xưởng dầu thứ hai. Xưởng này sản xuất đa hệ từ dầu nấu ăn đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ. Nhận thấy tiềm năng dừa ở miền Nam rất lớn nên ông Bền đầu tư vào sản xuất dầu dừa và chính từ dầu dừa đã gợi ý cho ông đi đến bước tiếp theo là sản xuất xà bông.

Trong thập niên 1930, xà bông Cô Ba chỉ mới phân phối ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa. Đến năm 1959, công ty thuê một đoàn võ thuật đi cổ động (PR) cho xà bông Cô Ba từ Sài Gòn ra đến tận Quảng Trị với ước muốn phân phối hàng chính hãng đến tận tay người tiêu dùng (không thông qua các đại lý). Không chỉ quảng cáo xà bông Cô Ba tại chợ, mà đoàn còn đi vào tận các làng xã xa xôi để biểu diễn võ thuật và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, tiếng tăm xà bông Cô Ba ngày càng lan xa.

Xà bông Cô Ba.
Xà bông Cô Ba.

Ăn nên làm ra, xưởng dầu của ông Bền ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa, 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong các năm thuộc thập niên 1940-1950.

Để có đủ nguyên liệu sản xuất, ông đã xây dựng hợp tác xã có xã viên là những chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho. Bấy giờ, xà bông nhãn hiệu Xà bông Việt Nam (có hình biểu tượng là Cô Ba nên sau này người tiêu dùng quen gọi là xà bông Cô Ba) được sản xuất hình vuông, mỗi cục xà bông đều có in nổi hình đầu người phụ nữ. Xà bông Cô Ba được bán khắp ba nước Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với xà bông Merseille của Pháp đang thống lĩnh thị trường

Vào thời kỳ khó khăn do chiến tranh, công ty của thương nhân Trương Văn Bền là hàng đầu sản xuất dầu và xà bông trên toàn cõi Đông Dương và đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille của Pháp thời bấy giờ

Doanh nhân Việt đầu tiên kêu gọi người Việt Nam dùng hàng nội

Trương Văn Bền là một trong những doanh nhân Việt Nam đầu tiên kêu gọi người Việt Nam sử dụng hàng nội. Trên báo chí Việt Nam, từ khi xà bông nội địa của ông Bền sản xuất vào năm 1932, trong mục quảng cáo xà bông Cô Ba thường chạy tít: "Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam". Cách quảng cáo của ông đánh vào lòng yêu nước, tự hào dân tộc để vận động người Việt dùng hàng nội. Ông phủ dày đặc các quảng cáo trên áp phích, trên xe điện, xe hơi, trên áo đấu cầu thủ bóng đá, ông đưa cả vào các thể loại âm nhạc rất được ưa chuộng như ca vọng cổ, tuồng cải lương…

Hiện vật xà bông Cô Ba. 
Hiện vật xà bông Cô Ba. 

Một chiêu khác cũng được ông Bền kể lại trong hồi ký: “Tôi phải kiếm cách ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán. Tiệm tạp hóa hầu hết chỉ mua các món đồ thông dụng, đem lại cho họ mối lợi hằng ngày. Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hằng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Cô Ba bán không. Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: “Sao không mua xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”. Hết người này tới người khác rồi chủ tiệm cũng phải để ý, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, mua thử về bán”.

Có một sự thật là xà bông Việt Nam của ông Bền không hề có chữ nào ghi là Cô Ba. Lý do người ta gọi xà bông Cô Ba là do trên hộp giấy có in hình một người phụ nữ búi tóc đặc trưng Việt Nam. Trên cục xà bông in nổi hình một người phụ nữ nhìn nghiêng. Người miền Nam lúc đó ít có thói quen gọi sản phẩm theo tên, có thể do khó đọc, khó nhớ, nhất là hàng ngoại và cũng vì nhiều người vốn… không biết chữ. Họ gọi theo logo sản phẩm. Cách gọi tên đó đến tận bây giờ vẫn còn thông dụng như dầu ăn con két, dầu ăn con voi đỏ… thay vì gọi là dầu Nakydaco, dầu Tường An…

Có nhiều sự tích quanh thương hiệu xà bông Cô Ba: Người phụ nữ búi tóc đẹp mặn mà nền nã luôn luôn xuất hiện trên sản phẩm xà bông của có thể là cô Ba Thiệu - người con gái Trà Vinh sắc nước hương trời đã đăng quang Miss Saigon hơn 150 năm trước.

Ở Việt Nam, chân dung cô được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có ở Đông Dương. Cô là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên con tem. Cô là "người mẫu" đầu tiên gắn liền với một thương hiệu Việt. Doanh nhân Trương Văn Bền chọn “Cô Ba” làm người mẫu quảng cáo thương hiệu xà bông Cô Ba là bày tỏ lòng tự hào dân tộc của ông Bền một cách kín đáo.

Tấm ảnh gia đình ông Trường Văn Bền cùng vợ và các con. 
Tấm ảnh gia đình ông Trường Văn Bền cùng vợ và các con. 

Ngoài ra cũng có một giả thuyểt Cô Ba tức là bà Trần Ngọc Trà chính là vợ của ông Trương Văn Bền. Do rất yêu vợ nên ông Bền đã dùng hình ảnh bà đặt cho nhãn hiệu xà bông. Theo lời ông Philippe Trương, cháu của ông Bền, bà Trà khi còn trẻ vốn là người đẹp nổi tiếng miền Nam, từng được mệnh danh là Hoa khôi Lục tỉnh.

Sau năm 1975, Công ty Trương Văn Bền trở thành Nhà máy hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995 trở thành Công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp liên doanh với Tập đoàn Procter & Gamble, thương hiệu xà bông Cô Ba được sử dụng lại nhưng không bán được nhiều bởi hơn vài chục năm đứt quãng đủ để một thương hiệu mai một trong tiềm thức người tiêu dùng.

Những năm gần đây xà bông Cô Ba bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị nhưng chỉ một góc nhỏ khiêm tốn bên cạnh các mặt hàng ngoại tràn ngập các siêu thị. Và chỉ một số nhỏ người tiêu dùng lớn tuổi mới biết thương hiệu này từng làm mưa làm gió một thời.

VIÊN VIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement