Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp Mỹ-Trung cuống cuồng ứng phó với chiến tranh thương mại

Phân tích

01/06/2019 08:07

Hoạt động nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan giữa hai nước.

Một loạt các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ sẽ chính thức bị Trung Quốc áp thuế cao hơn vào ngày 1/6 như một biện pháp trả đũa động thái tương tự trước đó của Washington. Những diễn biến leo thang này đang khiến các nhà xuất nhập khẩu ở cả hai bờ Thái Bình Dương chật vật tìm giải pháp đối phó.

Dự kiến, Trung Quốc sẽ tăng thuế khoảng 15% đối với 5.410 mặt hàng, trong đó có nước hoa, rượu vang và mỹ phẩm, với tổng trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ vào ngày 1/6, qua đó đẩy căng thẳng thương mại giữa hai nước lên thêm một nấc mới.

Theo một số doanh nghiệp, về lâu dài, thị trường có thể chống đỡ mức thuế 10%, nhưng khi con số này tăng lên thành 25% thì đó là một câu chuyện khác. Việc tăng thuế sẽ đánh thẳng vào ví tiền của người tiêu dùng và không ai dám chắc liệu thói quen mua sắm của họ có thể giữ nguyên hay không.

Hoạt động nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan giữa hai nước. Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy trong quý I năm 2019 tổng số lô hàng nông sản của nước này xuất sang Trung Quốc đã giảm 44% (tương đương 2,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Huawei là nạn nhân chịu tổn thất nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Huawei là nạn nhân chịu tổn thất nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Trong đó, lượng thịt bò và thịt lợn mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã giảm lần lượt 34% và 20% vào cùng giai đoạn.

Một số nhà nhập khẩu ở Trung Quốc cho biết họ phải lựa chọn thêm nguồn cung các loại thịt này từ những quốc gia khác, bao gồm Argentina và Tây Ban Nha, vì việc bán các sản phẩm của Mỹ ngày càng tỏ ra kém cạnh tranh.

Một số khác đã phải loại bỏ các mặt hàng từ Mỹ khỏi danh sách bán của mình do giá tăng quá cao và chi phí có thể tăng lên tới 30 – 40%.  Các nhà phân phối rượu vang của Mỹ tại Trung Quốc cũng cho biết họ cảm thấy rất khó để lạc quan trong tình hình hiện tại.

Số liệu thống kê của tổ chức Wine Institute đại diện cho 1.000 nhà sản xuất rượu vang tại bang California (Mỹ) cho thấy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ sang Trung Quốc chỉ đạt 59 triệu USD trong năm 2018, giảm gần 25% giá trị so với năm 2017.

Các nhà sản xuất cho hay sự bất ngờ của đợt trả đũa thuế quan mới nhất giữa hai nước khiến họ không có thời gian gửi hàng trước thời hạn áp thuế mới.

Các nhà sản xuất sẽ phải tìm cách chuyển nguồn cung sang Hong Kong (Trung Quốc), nơi rượu vang được miễn thuế và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ sang thị trường này năm 2018 đạt 130 triệu USD.

Dù có phương án dự phòng, nhưng các nhà phân phối rượu vang Mỹ tại Trung Quốc đều tỏ ra khá nuối tiếc và cho rằng cuộc chiến thuế quan đã ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng thị trường kéo dài cả thập kỷ qua của họ.

Cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh đã "tăng nhiệt" trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 ra lệnh tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.

"Ông chủ" Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại có giá trị khoảng 325 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Tình hình tiếp tục căng thẳng hơn khi Washington sau đó đã có một loạt động thái nhằm vào Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc là Huawei.

Không “đứng yên chịu trận”, truyền thông Trung Quốc vào tuần này đã phát đi những tín hiệu rằng Bắc Kinh có thể đáp trả những động thái trên bằng cách ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, cắt đứt nguồn cung khoáng sản được dùng để sản xuất nhiều mặt hàng công nghệ từ điện thoại thông minh đến TV và thiết bị quân sự.

TRÀ GIANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement