Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp địa ốc lo 'chết mòn' trên đống tài sản

Dù sở hữu khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản không khỏi lo lắng vì khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cũng như vốn tín dụng ngân hàng, khi mà hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ do ảnh hưởng dịch.

Tủi thân vì bị “phân biệt đối xử”

Trong tuần qua, câu chuyện thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường là “tiếng khóc nghẹn” của các doanh nghiệp bất động sản khi bị “đứng ngoài” hầu hết các gói hỗ trợ.

Sở dĩ có điều này là bởi trong đợt giảm lãi suất gần đây, một số nhà băng đưa ra các gói tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vay vốn với lãi suất chỉ từ 4%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_1-2064(1).jpg
Ảnh: Dũng Minh

“Tại sao lại phân biệt đối tượng khách hàng vay? Khách hàng nào cũng trả lãi sòng phẳng, thậm chí cho vay bất động sản lãi suất còn cao hơn các khoản vay sản xuất - kinh doanh hay các ngành nghề khác”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM than thở và bày tỏ quan điểm rằng, đã từ lâu, các doanh nghiệp bất động sản đã đồng hành, gắn bó chặt chẽ với các ngân hàng và có đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhưng nay, khi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn thì lại bị “đứng ngoài” các chương trình hỗ trợ của ngân hàng là điều khó chấp nhận.

“Hỏi thăm thông tin thì được phản hồi là để chống đầu cơ. Thực hư quan điểm này không biết có phải từ lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng không, nhưng cách mà một số ngân hàng đang phân biệt khách hàng là không công bằng”, vị lãnh đạo này bức xúc.

Trên thực tế, bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11% GDP và có tác động đến hơn 200 ngành nghề khác nhau.

“Mỗi dự án bất động sản khi phát triển tạo ra bao nhiêu sản phẩm, công ăn việc làm, thay đổi tích cực môi trường sống, chất lượng sống cho người dân, đóng góp rất lớn cho ngân sách…, vậy mà vẫn nằm ngoài các chính sách hỗ trợ khi gặp khó khăn thì thực sự không ổn”, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land tâm sự.

Thực ra, tâm tư của lãnh đạo Đại Phúc Land cũng giống như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng - bất động sản khác. Khi được hỏi về tình hình hoạt động kinh doanh trong thời gian qua, đa số đều bày tỏ sự “tủi thân” khi bị đứng ngoài cuộc trong các chính sách hỗ trợ chung vì bất động sản không được xem là lĩn h vực thiết yếu.

Thống kê của Công ty DKRA Vietnam về doanh thu của doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực TP.HCM trong 3 tháng gần đây cho thấy, hiện có đến 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10% so với giai đoạn bình thường, tức có nguy cơ ngừng hoạt động rất cao. Bên cạnh đó, khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ ngừng hoạt động với mức doanh thu từ 30-50%. Chỉ 10% doanh nghiệp có mức doanh thu 50-70% (mức được cho là ổn định).

“Dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM nên thời gian giãn cách xã hội bị kéo dài nhiều tháng nay, dẫn tới hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa do không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nói.

Giải pháp từ “tổ hợp tín dụng”

Đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo DKRA Vietnam, hiện có đến 50% doanh nghiệp địa ốc TP.HCM có mức doanh thu dưới 10% so với giai đoạn bình thường, tức có nguy cơ ngừng hoạt động rất cao.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thiếu dòng tiền đang là vấn đề lớn và đáng quan ngại nhất hiện nay, có thể khiến doanh nghiệp địa ốc chết mòn trên đống tài sản của chính mình, nên việc tiếp cận được tín dụng ngân hàng trong lúc này là vô cùng cấp thiết.

Bàn về tính khả thi trong việc giảm lợi nhuận ngân hàng để giảm lãi vay cho doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh là rất cần thiết, nhưng vấn đề cần quan tâm là các doanh nghiệp có đủ điều kiện tiếp cận được nguồn vốn này hay không.

“Nếu doanh nghiệp đã có tình hình tài chính tốt, vay trả đúng hạn thì nhiều khả năng doanh nghiệp đó đã được ưu tiên giảm lãi suất, vì ngân hàng đang có điều kiện đầu vào thấp. Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp gặp khó khăn thì giảm lãi suất cho khoản vay cũ chỉ là một phần, quan trọng hơn là tiếp tục được vay thì doanh nghiệp có sống tiếp được hay không”, ông Thành đặt vấn đề.

Cùng góc nhìn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, việc giảm lãi suất cho các doanh nghiệp là cần thiết trong thời điểm hiện tại, song cần dựa vào tình hình kinh doanh của từng ngân hàng để điều chỉnh cho phù hợp. Bởi hiện nay, nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, ngân hàng cần có nguồn lực để trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng nói riêng, kinh tế vĩ mô nói chung. Do đó, các ngân hàng giảm lãi cho vay mà không tính kỹ có thể sẽ gặp nhiều rủi ro.

Đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, chính sách giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ... chỉ là giải pháp cấp cứu tạm thời. Để giải quyết tận gốc vấn đề, hệ thống ngân hàng cần xây dựng một “tổ hợp tín dụng” để có đủ nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Để minh chứng, ông Hiếu cho biết, ở nước ngoài, có những dự án vốn rất lớn, một mình ngân hàng không tham gia được vì vượt hạn mức cho vay theo quy định, nên họ sẽ tập hợp từ 10-20 ngân hàng thành một “tổ hợp tín dụng” để tài trợ cho dự án. Tại Việt Nam, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn vì dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước cũng cần đứng ra thành lập một tổ hợp tín dụng tương tự và yêu cầu tất cả các ngân hàng phải tham gia. Hạn mức cho tổ hợp này cần tương đương với gói hỗ trợ năm ngoái vào khoảng 300.000 tỷ đồng.

“Các ngân hàng cần tham gia với một tỷ lệ tương đương 3% tổng dư nợ hiện tại của mỗi ngân hàng. Hiện tại, tổng dư nợ của nền kinh tế là hơn 9,5 triệu tỷ đồng, vậy nên con số hạn mức đó sẽ vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp được vay tín chấp tuần hoàn 2 năm đầu và trả dần trong 3 năm tiếp theo với lãi suất thấp, từ 3-5%/năm”, ông Hiếu gợi ý.

Trả lời câu hỏi tiền đâu để cho vay với lãi suất thấp như vậy, ông Hiếu cho biết, các ngân hàng có nguồn huy động tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp, thậm chí bằng 0%. Do đó, ngân hàng cần lấy nguồn tiền này để đóng góp vào tổ hợp tín dụng và cho doanh nghiệp vay với hình thức vay 5 năm, 2 năm đầu vay tuần hoàn (vay đi, trả lại) và 3 năm sau trả dần cho đến khi hết nợ.

“Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy chế cho vay, rồi đứng ra giám sát để tổ hợp tự điều hành và cần chọn ra một ngân hàng đứng đầu điều hành. Tổ hợp sẽ cho vay tín chấp, mà vay tín chấp thì lại rủi ro cho các ngân hàng. Chính vì thế, tổ hợp tín dụng này phải liên kết với Quỹ bảo lãnh tín dụng Quốc gia do Chính phủ thành lập để bảo lãnh cho ngân hàng, để họ yên tâm cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp”, ông Hiếu đề xuất.

VIỆT DŨNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement