Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dịch vụ khách sạn trông chờ vào khách nội địa để 'cầm hơi'

Giới kinh doanh dịch vụ khách sạn lóe lên hy vọng khi vào đầu năm nay, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự đoán du lịch thế giới sẽ bắt đầu phục hồi từ quý 3/2021 và trong kịch bản tốt nhất sẽ là vào tháng 7 với số khách du lịch quốc tế trên thế giới năm 2021 sẽ tăng 66% theo năm.

Hà Nội cầm chừng, TP.HCM “bầm dập”

Tuy nhiên, hy vọng này rất khó trở thành hiện thực khi mà dịch COVID-19 lại tái bùng phát tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại đất nước tỷ dân Ấn Độ và điều này đã khiến cho thị trường dịch vụ khách sạn có khả năng tiếp tục rơi vào ảm đạm.

Theo báo cáo của Savills, trong quý 1/2021, tại thị trường Hà Nội, nguồn cung phân khúc này tăng trưởng nhẹ, chỉ 1% theo quý và 2% theo năm. Hiện tại, phân khúc này cung cấp ra thị trường khoảng 10.120 phòng. Nguồn phòng này đến từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao.

Mặc dù nguồn cung tăng đôi chút nhưng lượng khách thuê chỉ đạt khoảng 24%, giảm 9% theo quý và 20% theo năm. Trong khi đó, giá thuê phòng trung bình đạt 76 USD/phòng/đêm, tăng 8% theo quý và 23% theo năm.

mh_poolside-585x390.jpg
Thị trường dịch vụ khách sạn rơi vào ảm đạm do Covid-19.

So với Hà Nội, phân khúc dịch vụ khách sạn ở TP.HCM còn ảm đạm hơn khi trong quý 1/2021, nguồn cung phân khúc này tăng trưởng âm 2%, theo năm âm 8%. Nguyên do một số khách sạn lớn cắt giảm lượng phòng để giảm chi phí, tập trung vào một số địa điểm chủ lực.

Công suất sử dụng phòng trong quý 1/2021 cũng chỉ chiếm khoảng 17%, tăng trưởng âm 3% theo quý và âm 31% theo năm. Giá thuê phòng tại TP.HCM cũng thấp hơn Hà Nội khá nhiều, chỉ khoảng 62 USD/đêm, giảm 20% tính theo năm.

Trong số các khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khối khách sạn chuẩn 5 sao do phân khúc này phụ thuộc chủ yếu vào lượng khách quốc tế. Cụ thể, giá phòng giảm 30% trong khi công suất giảm đến 35% tính theo năm.

Tồn tại thế nào trong đại dịch?

Để duy trì hoạt động, nhiều khách sạn đã chuyển hướng sang cho các cơ quan y tế thuê lại để làm điểm cách ly COVID-19 có thu phí.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 khách sạn 3-5 sao được cho thuê làm cơ sở cách ly, bao gồm 3 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao và 2 khách sạn 3 sao.

Khách nội địa tiếp tục là chìa khóa để phục hồi du lịch thành phố, mặc dù các khách sạn tại Hà Nội đã có một quý khó khăn do tác động của một làn sóng Covid-19 khác làm giảm công suất thị trường.

Về mặt tích cực, trong vòng hai năm tới, nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế mới sẽ gia nhập thị trường, giúp thu hút khách quốc tế khi du lịch mở cửa trở lại.

Ông Mathew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội

Trong khi đó tại TP. HCM có khoảng 17 khách sạn, khoảng 2.400 phòng được cho thuê để làm khu cách ly.

Mặc dù giá cho thuê lại làm cơ sở cách ly khá thấp nhưng các chủ khách sạn vẫn “bấm bụng” cho thuê để duy trì hoạt động chờ hết dịch.

Một chủ khách sạn 4 sao có hàng trăm phòng cho thuê làm khu cách ly ở TP.HCM cho biết, giá cho thuê chỉ khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng/tháng, con số này thấp rất nhiều so với doanh thu trước đại dịch.

Tuy nhiên, không phải khách sạn nào cũng có thể cho thuê được bởi nó phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí phòng, chống dịch mới được cơ quan chức năng lựa chọn.

Ngoài việc một phần nhỏ trong phân khúc này được cho thuê làm khu cách ly ra, các chủ khách sạn còn lại chỉ biết trông chờ vào lượng khách nội địa.

tieu-chi-the-hien-chat-luong-dich-vu-5-sao-cua-mot-khach-san-01.png
Nhiều khách sạn hoạt động cầm chừng.

Mảng du lịch nội địa, Hà Nội tiếp tục tạo ra “điểm sáng” khi có lượng du khách khá tốt. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng Ba, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều điểm du lịch trong thành phố mở cửa trở lại, khách du lịch nội địa tới Hà Nội đạt 685.000 lượt, tăng 180% theo tháng và 360% theo năm.

Khách lưu trú nội địa trong tháng Ba tại Hà Nội đạt 133.000 lượt, tăng 220% theo tháng. Trong quý 1, khách du lịch nội tới Hà Nội đạt 1,93 triệu lượt, tăng 4% theo quý và giảm -33% theo năm. Khách nội địa lưu trú trong quý đạt 230.000 lượt, tăng gấp đôi theo quý nhưng giảm -86% theo năm.

Trong khi đó tại TP.HCM, trong quý 1, doanh thu từ du lịch đã giảm 60%, còn khoảng 80% công ty du lịch vẫn còn đóng cửa.

Tiếp tục phát triển để đón đầu

Mặc dù đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thế nhưng phân khúc này vẫn được các nhà đầu tư tiếp tục phát triển để đón đầu. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2023, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 3.000 phòng từ 14 khách sạn sắp đưa vào hoạt động, theo báo cáo của Savills.

Trong đó, năm 2021 sẽ có thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và một khách sạn 3 sao với trên 400 phòng.

Trong số 14 dự án khách sạn trong giai đoạn này, khu vực Nội thành đóng góp gần 1.500 phòng hay 52% nguồn cung tương lai, theo sau bởi khu vực phía Tây với 33%.

Phân khúc 5 sao dẫn đầu nguồn cung tương lai trong giai đoạn này, chiếm 80%. Các thương hiệu khách sạn lớn sẽ gia nhập thị trường gồm Grand Mercure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit, và Wink Hotel.

Với du lịch Hà Nội, thành phố dự báo sẽ đón tới 15 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2021, gần gấp đôi khách du lịch năm 2020 và bằng 70% khách du lịch năm 2019. Trong khi đó tại TP.HCM, phân khúc này cũng có khoảng 3.000 phòng.

Theo Bộ Du lịch, Thể thao và Văn hóa, trong năm 2021, dự kiến sẽ có khoảng 80 triệu lượt du khách nội địa, doanh thu ước tính khoảng 16,4 tỷ USD. Riêng TP.HCM sẽ có khoảng 30 triệu lượt khách, chiếm khoảng 40% lượng du khách cả nước.

Nếu dự báo chính xác và dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì đây là cứu cánh giúp phân khúc dịch vụ khách sạn tạm thời tồn tại, chờ đợi đại dịch toàn cầu đi qua.

NGUYỄN MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement