Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dịch COVID-19 biến dịch vụ 'mua ngay trả sau' trở thành ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ USD

Quản trị

22/09/2021 06:12

Dịch vụ "mua ngay trả sau" tương tự như hình thức trả góp. Nó không mới, nhưng nhờ đại dịch COVID-19, nó đã thực sự bùng nổ.

Hàng triệu người mua sắm hiện sử dụng dịch vụ "mua ngay trả sau" (Buy Now, Pay Later) hoặc BNPL để mua hàng. Có rất nhiều lựa chọn cho dịch vụ này, trong đó Klarna, Affirm và Afterpay chỉ là một vài trong số rất nhiều nhà cung cấp.

Không chỉ vậy, các công ty lớn cũng đang nhảy vào cuộc chiến. PayPal tung ra sản phẩm của riêng mình. Amazon và Apple hợp tác với Affirm. Còn Square đồng ý mua Afterpay với một thỏa thuận trị giá 29 tỷ USD.

Các công ty BNPL chào mời dịch vụ của họ là một giải pháp thay thế tốt hơn cho thẻ tín dụng. Tuy nhiên, các nhà phê bình lo lắng rằng, nhiều người đang chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể chi trả và một số người thậm chí không nhận ra rằng họ đang mắc nợ.

Vậy "mua ngay trả sau" là gì? Và tại sao nó đột nhiên bùng nổ?

BNPL là gì?

BNPL là một loại hình thanh toán, cho phép người mua hàng thanh toán các mặt hàng của họ trong một khoảng thời gian trả góp.

Khái niệm này không phải là mới. Các chương trình trả góp đã có từ nhiều năm nay, được gọi là “layaway” ở Hoa Kỳ hoặc “lay-by” ở Úc. Hình thức thanh toán này cho phép mọi người phân bổ chi phí cho các mặt hàng trong một khoảng thời gian nhất định.

klarna.jpeg
Logo của nhà cung cấp dịch vụ "mua ngay trả sau" Klarna. Ảnh: Getty

BNPL tương tự trả góp ở chỗ, người tiêu dùng nhận trước sản phẩm và trả tiền cho sản phẩm đó với số tiền tăng dần, thường không tính lãi.

Người mua có thể chọn sử dụng dịch vụ BNPL khi thanh toán trực tuyến chỉ với một vài cú nhấp chuột. Sau đó, họ thường thanh toán đợt đầu tiên và nhận được hóa đơn số tiền còn lại trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng.

Các nhà cung cấp BNPL thường thêm nút thanh toán vào trang web của nhà bán lẻ và thu hoa hồng từ người bán trên mỗi giao dịch. Các chuyên gia cho biết, các nhà bán lẻ nên đồng ý thỏa thuận này vì nó thường kéo giá trị đơn hàng trung bình cao hơn và tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.

Một số công ty BNPL cũng tạo ra thu nhập từ phí trả chậm và lãi suất của các gói trả góp dài hạn.

Lợi thế đối với người mua sắm là họ có thể mua ngay một món hàng đắt hơn bình thường, chỉ cần chia đều chi phí mua hàng của họ thành các khoản trả góp hàng tháng.

Tại sao BNPL quá phổ biến?

Chỉ một từ thôi: coronavirus.

Đại dịch khiến nhiều nhà bán lẻ truyền thống buộc phải đóng cửa tạm thời và người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn ở nhà. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của mua sắm trực tuyến. 

Theo một báo cáo từ Worldpay, công ty xử lý thanh toán thuộc sở hữu của FIS, các giao dịch thương mại điện tử toàn cầu đạt 4.600 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 19% so với năm 2019.

BNPL chiếm 2,1%, tương đương khoảng 97 tỷ đô la, trong tổng số đó. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi lên 4,2% vào năm 2024, theo Worldpay.

paypal-paidy.jpg
PayPal đã mua lại công ty Paidy của Nhật Bản với giá 2,7 tỷ USD. Ảnh: Paidy

Các kế hoạch BNPL vốn đã ngày càng phổ biến trước đại dịch. Và giờ đây, sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng và việc áp dụng thương mại điện tử gia tăng càng mang lại cho thị trường này bước nhảy vọt đáng kể.

Nhờ vậy, một số công ty trong lĩnh vực này nhận được nguồn lợi "khủng". Klarna đạt mức định giá 46 tỷ USD trong vòng gọi vốn tư nhân gần đây. PayPal mua lại công ty Paidy của Nhật Bản với giá 2,7 tỷ USD và Square thu về Afterpay.

Rui ro khi sử dụng BNPL

Một trong những lời chỉ trích chính đối với BNPL là, nó có thể khuyến khích người dùng chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể chi trả. Theo đó, các dịch vụ "mua ngay trả sau" đặt biệt phổ biến với những người mua sắm thuộc thế hệ millennial và Gen Z.

Một nhóm vận động cho người tiêu dùng ở Anh cho biết, họ đã tiến hành một cuộc khảo sát và nhận thấy rằng, gần 1/4 người dùng BNPL đã chi tiêu nhiều hơn dự định ban đầu vì dịch vụ này có sẵn.

Cũng có những lo ngại về việc mọi người có thể dễ dàng mắc nợ hơn, thậm chí là không nhận ra mình mắc nợ vì không kiểm tra dữ liệu cá nhân.

Vì vậy, dịch vụ này được so sánh với các khoản vay ngắn hạn gây tranh cãi, cho phép người dùng vay ngắn hạn với lãi suất cao. BNPL thường không có lãi suất, thay vào đó một số nhà cung cấp tính phí trả chậm cao.

Các nhà cung cấp BNPL cho biết, họ có các biện pháp bảo vệ để đảm bảo người dùng không chi tiêu quá mức. Ví dụ, Klarna đặt giới hạn chi tiêu cho từng trường hợp cụ thể.

Sebastian Siemiatkowski, CEO của Klarna, nói: “Chúng tôi luôn xem xét cách người tiêu dùng sử dụng dịch vụ này".

“Nếu họ sử dụng dịch vụ 'mua ngay trả sau' một cách tích cực, chúng tôi có thể mở rộng khả năng sử dụng nó. Nếu không, chúng tôi sẽ hạn chế khả năng sử dụng hoặc ngừng hoàn toàn khả năng sử dụng”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, BNPL cần có các quy định để bảo vệ người dùng một cách đầu đủ.

Cụ thể tại Anh, chính phủ đang tìm cách kiềm chế ngành công nghiệp này bằng một loạt các đề xuất, bao gồm kiểm tra khả năng chi trả của khách hàng. Các đề xuất này dự kiến sẽ được xem xét và thông qua vào tháng 10.

Về phần mình, Klarna và Clearpay - chi nhánh của Afterpay tại Vương quốc Anh - cho biết họ hoan nghênh việc tiến tới quy định trên.

AN DI
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement