Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cửa hàng tiện lợi: tiện mà có lợi?

Tiêu dùng thông minh

06/07/2017 06:49

Thị trường bán lẻ bỗng chốc trở nên sôi động hẳn lên khi Seven-Eleven (7-11) mở cửa hàng đầu tiên, kế đó là cuộc đại mở rộng của Bách hoá Xanh hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Thử xem mọi chuyện đang diễn biến ra sao?

1. Điểm sáng 7-11 và Bách hoá Xanh?

7-11 rõ ràng là quá nổi bật nên sự có mặt của “ông kẹ” châu Á này trở thành sự kiện đặc biệt. Ai cũng biết 7-11 hưởng lợi nhờ truyền thông PR miễn phí hoàn toàn. Các báo, trang mạng gần như xếp hàng chờ 7-11 thông tin. Tất nhiên cũng phải công nhận 2.000 – 3.000 người mua hàng trong những ngày đầu khai trương là mức kỷ lục với mô hình cửa hàng tiện lợi (CVS –Convenience Store).

Truyền thông và yếu tố mới lạ đã thu hút hàng ngàn bạn trẻ tò mò. Một cuộc khảo sát nhanh cho thấy có gần một nửa người mua là người ở các quận khác.

Người tiêu dùng Việt Nam đang suy xét về cái giá phải trả để mua cái tiện, liệu có “lợi” tương xứng? Ví dụ: giá bình quân của 70 – 80% các mặt hàng bán tại CVS đang cao hơn giá bao bì từ 10 – 15%, trong khi tại các chợ và cửa hàng truyền thống, giá thường thấp hơn 4 – 6%. Nếu doanh số một năm của tất cả cửa hàng tiện lợi vào khoảng 2.000 tỷ đồng, thì khách của cửa hàng tiện lợi “mất” khoảng 400 tỷ! Đáng cân nhắc chứ? Ảnh: Thịnh An

Muốn nói mô hình của 7-11 có thành công hay không, phải đợi ít nhất ba tháng. Như ngày Starbucks khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM, khiến tuyến đường xung quanh “thất thủ” ra sao, thì đến nay Starbucks vẫn đứng ở nhóm chuỗi càphê vắng khách. Sau hai tuần, hiện mỗi ngày cửa hàng 7-11 có 300 – 500 khách, cũng gọi là tín hiệu tích cực. Nóng hổi không kém là Bách hoá Xanh hợp tác chiến lược với HAGL.

Hơn một năm qua, Bách hoá Xanh quanh quẩn xung quanh quận Tân Bình, Tân Phú với hơn 40 cửa hàng mô hình thử nghiệm, theo mô hình cửa hàng thiết kế có chiều sâu từ không gian mua sắm, định vị đến sự khác biệt hoá để thu hút khách hàng, nhấn mạnh khu tươi sống và giá cạnh tranh với chợ truyền thống.

Bách hoá Xanh cũng “khôn ngoan” truyền thông rùm beng việc hợp tác chiến lược với HAGL về tiêu thụ trái cây, kết hợp với cuộc mở rộng đại quy mô. Dù cho Bách hoá Xanh có mở được 500 siêu thị nhỏ trong 2 – 3 năm tới (các nhà bán lẻ lớn của khu vực cũng chưa làm được) thì số lượng trái cây tiêu thụ cũng chỉ là một phần của HAGL, nên đây chỉ nặng tính PR hơn là khả thi về doanh số bán hàng.

Thị trường các cửa hàng tiện lợi đang ảm đạm?

Số lượng cửa hàng được mở mới trong sáu tháng đầu 2017, (chỉ dấu của tính lạc quan và nguồn đầu tư của các nhà bán lẻ) khá khiêm tốn: tổng số được khai trương chỉ vào khoảng 50 – 60 (tính cả siêu thị nhỏ theo chuỗi) trong khi họ thông báo từ cuối năm trước khoảng 200 – 300.

Đây là mức thấp nhất trong ba năm gần đây. Một số lượng khá lớn các cửa hàng đã đóng cửa trong âm thầm. Có hệ thống dù tiếp tục khai trương, sau ba năm rầm rộ mở rộng với mục đích dẫn đầu thị trường, thì đến nay số cửa hiệu phải đóng cửa đã hơn 100.

Một chuyên gia ngành bán lẻ phân tích, khi số lượng cửa hàng lên trên 100, trải rộng khắp TPHCM và Hà Nội, thì vấn đề chuỗi cung ứng và hệ thống quản lý sẽ là áp lực rất lớn lên nhà bán lẻ vì ngốn chi phí, thường làm lỗ luỹ kế trên từng cửa hàng tăng cao, khó thu hồi vốn. Hệ thống quản lý cũng là điều nan giải, vì đảm bảo hoạt động và dịch vụ cho người tiêu dùng liên tục 365 ngày là rất khó. Đặc biệt càng khó nếu có phục vụ thực phẩm ăn liền (ready to eat).

Nhiều cửa hàng tiện lợi đã chịu đựng mức hư hỏng sản phẩm vượt quá 10% doanh thu.

Thị trường bán lẻ 2017 cũng chứng kiến việc thiết lập chuỗi cửa hàng gặp trục trặc không như mong đợi. Giới chuyên môn thường nói đến mô hình Co.op Smile của Saigon Co.op. Cuối năm 2016, Co.op Smile, với hướng đi rất mới là hiện đại hoá các cửa hàng tạp hoá hiện có qua nhượng quyền, được Saigon Co.op cho biết dự định có 500 cửa hàng trong thời gian ngắn. Nay đã hơn nửa năm, tình hình vẫn im ắng? Nhiều chuyên gia đề cập việc chuẩn bị mô hình chuẩn là yếu tố tiên quyết đảm bảo thành công cho mô hình franchise.

Sự khắc nghiệt của thị trường Việt Nam đã được nhiều nhà bán lẻ “sừng sỏ” trải nghiệm nên họ thận trọng mở từng cửa hàng một. Mức lỗ đầu tư luỹ kế trên mỗi một cửa hàng mở thêm thử thách sức chịu đựng, khi thị trường bán lẻ Việt Nam hiện tăng trưởng rất chậm.

2. Và người tiêu dùng khi nào “tỉnh ngộ”?

Chuyên gia bán lẻ trên cũng nhận xét, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang suy xét về cái giá phải trả để mua cái tiện, liệu có “lợi” tương xứng? Ví dụ: giá bình quân của 70 – 80% các mặt hàng bán tại CVS đang cao hơn giá bao bì từ 10 – 15%, trong khi tại các chợ và cửa hàng truyền thống, giá thường thấp hơn 4 – 6% (thói quen giữ khách của kênh truyền thống), mức chênh lệch giá gần 20% giữa hai kênh. Ngay với siêu thị thông thường, mức này vào khoảng 12%.

Nếu doanh số một năm của tất cả cửa hàng tiện lợi vào khoảng 2.000 tỷ đồng, thì khách của CVS “mất” khoảng 400 tỷ! Đáng cân nhắc chứ?

Liệu người tiêu dùng Việt Nam đang chấp nhận trả giá cho điều này?

Hãy dùng bài học của mô hình siêu thị (supermarket) hoặc đại siêu thị (hypermarket) để dự đoán. Vào khoảng những năm 2005, tất cả đều dự đoán đến 2020 kênh siêu thị sẽ chiếm > 50% toàn ngành bán lẻ về hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Nhưng người tiêu dùng nước ta chuyển từ “phong trào đi siêu thị” sang việc suy nghĩ và tiêu dùng thông minh hơn, khái niệm “value for money” (“đáng tiền”) trở thành yếu tố chính khi chọn kênh mua hàng.

Đến năm 2016, kênh siêu thị vẫn chỉ chiếm 20%, đáng ngạc nhiên hơn, người tiêu dùng bây giờ bắt đầu ngán siêu thị, họ quay trở về mua hàng ở kênh truyền thống, đặc biệt là kênh bách hoá (các cửa hàng lớn, danh mục hàng hoá đa dạng, phục vụ tốt). Họ chọn kênh mà họ cho là “đáng tiền”.

Có lẽ tình hình kênh tiện lợi cũng có thể giống vậy, đặc biệt nếu tình trạng chênh lệch giá vẫn cao như hiện nay.

Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục có những biến động và cạnh tranh ngày càng cao, người thắng sẽ là người có khả năng đầu tư dài hơi, tạo ra sự khác biệt và phục vụ nhu cầu người mua hàng một cách bền vững, cùng với đó là một hệ thống vận hành tối ưu.

Sân chơi này không dành cho kẻ yếu.

PHAN TƯỜNG ANH (TGTT)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement