Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu phân hóa theo lợi nhuận

Chứng khoán

19/04/2021 13:55

Sau sự hân hoan của thị trường khi VN-Index lập đỉnh mới là dự báo về khả năng phân hóa rõ nét giữa các cổ phiếu trong thời gian tới.

Giá cổ phiếu “chạy” theo kỳ vọng

Kết quả kinh doanh quý I/2021 của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao là một trong những điểm tựa cho thị trường chứng khoán lập đỉnh trong tuần qua. Không ít cổ phiếu có diễn biến tăng giá từ trước tiếp tục tăng giá sau khi thông tin được công bố chính thức.

Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chiếm khoảng 30% tỷ trọng vốn hóa toàn thị trường, ghi nhận mức tăng giá bình quân 20% trong 1 tháng, tính từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, phản ánh lợi nhuận “khủng” trong quý đầu năm.

Theo thống kê sơ bộ của Công ty Chứng khoán BSC, lợi nhuận quý I/2021 của 11 ngân hàng tăng bình quân 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần AzFin Việt Nam dự báo, kết quả kinh doanh quý I/2021 của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 30%, kịch bản tích cực là tăng 33%, kịch bản thấp là tăng 25% so với quý I/2020.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, thông tin tích cực về lợi nhuận quý I/2021 của các doanh nghiệp, đặc biệt nổi bật ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng…, đã phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu nói riêng, xu hướng thị trường chứng khoán nói chung trong những phiên vừa qua.

Theo đó, VN-Index lập đỉnh mới ngay trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4 và tiếp tục tăng điểm trong tuần thứ hai với thanh khoản cao, dù chỉ số tăng giảm đan xen.

Ở các nhóm ngành khác, giá cổ phiếu cũng sớm “chạy” theo lợi nhuận kỳ vọng. Chẳng hạn, cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tăng lên 18.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4, gấp đôi so với đầu tháng 2, trước khi Công ty công bố mức lợi nhuận quý I/2021 cao kỷ lục (1.803 tỷ đồng).

Khi BSR chính thức có báo cáo tài chính quý I/2021, giá cổ phiếu chững lại và giảm nhẹ, đóng cửa cuối tuần qua tại 16.700 đồng/cổ phiếu.

Cùng ngành dầu khí, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong hơn 1 tháng qua có diễn biến giảm nhẹ sau khi tăng nhờ “sóng ngành” là giá dầu tăng. PLX chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021, nhưng Công ty Chứng khoán Nông nghiệp (Agriseco) dự báo, lợi nhuận sau thuế có thể tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 26/4 tới, PLX sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Tập đoàn đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay đạt 3.360 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn 41% so với năm 2019.

Chưa lo ngại phân phối đỉnh

Thông thường, sau khi kết quả kinh doanh quý I được các doanh nghiệp công bố, thị trường sẽ bước vào giai đoạn bão hòa thông tin, “vùng trũng” thông tin, nên có diễn biến đi ngang, thậm chí giảm điểm.

Năm nay, VN-Index vượt đỉnh lịch sử, nhưng P/E trung bình thị trường vẫn chưa quá cao và trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới có mức tăng mạnh hơn nhiều, xác suất đảo chiều được nhìn nhận ở mức thấp.

“Tháng 4 này, các thông tin vĩ mô, tin tức ngành, doanh nghiệp vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ cho chiều hướng đi lên của thị trường chứng khoán. Tăng trưởng GDP quý II hứa hẹn sẽ cao hơn quý I”, ông Khánh nói.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Sacombank nhận định, thị trường đang trong thời điểm phân hoá mạnh mẽ liên quan tới kết quả kinh doanh quý I/2021 cùng những thông tin về đại hội đồng cổ đông thường niên.

Do đó, ngoài các doanh nghiệp có lợi nhuận quý I tích cực, dòng tiền có xu hướng chảy vào các nhóm ngành có triển vọng khả quan trong cả năm như ngân hàng, chứng khoán, thép…

Trong đó, nhóm ngân hàng có thông tin hỗ trợ là Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021 (tức kéo dài thời gian so với trước).

Nhóm chứng khoán có khả năng tăng nguồn thu từ môi giới, cho vay ký quỹ khi hệ thống giao dịch chứng khoán được cải thiện, thanh khoản lập kỷ lục…

Hai phiên cuối tuần qua, VN-Index giảm điểm, đây là diễn biến bình thường sau khi thị trường tăng điểm, do động thái chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư cùng sự băn khoăn về vùng đỉnh của một số nhà đầu tư bên mua. Động thái này nhiều khả năng chỉ ảnh hưởng đến thị trường trong vài ba phiên. Bởi lẽ, tâm lý thị trường nhìn chung vẫn đang hào hứng, có thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia.

Với diễn biến hiện tại, chưa có cơ sở để khẳng định thị trường đang ở giai đoạn phân phối, dù thanh khoản trong tuần qua tăng vọt. Phân phối đỉnh thể hiện ở việc lực cầu bão hòa và không hấp thụ được lượng cung bơm ra, nhưng thị trường chưa xuất hiện dấu hiệu này, đặc biệt khi quan sát số lượng tài khoản mở mới liên tiếp phá kỷ lục hàng tháng.

Thực tế, trong giai đoạn tăng giá kể từ đầu tháng 2 đến nay, có nhiều thời điểm lực cung gia tăng nhưng phía cầu không nao núng, giá hầu như chỉ điều chỉnh 1 - 2 phiên rồi lại bật lên.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Agriseco dự báo, dòng tiền sẽ tập trung vào các cổ phiếu blue-chip, doanh nghiệp có thương hiệu, lợi nhuận tăng trưởng cao.

Các cổ phiếu vốn hóa trung bình cũng thu hút dòng tiền nhưng doanh nghiệp phải có khả năng ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến, nhất là nhóm bất động sản, hoặc nhóm có khả năng phục hồi mạnh sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 đầu năm ngoái.

Các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh sau thường kém khả quan hơn doanh nghiệp công bố trước.

Theo bà Lan, hiện tượng “tin ra là bán” diễn ra thường xuyên trong các năm trước, năm nay vẫn có hiện tượng này, nhưng có một điểm khác biệt là thanh khoản ở mặt bằng cao hơn nhiều.

Đối với các cổ phiếu có thương hiệu, triển vọng hoạt động khả quan, cơ hội đầu tư vẫn còn sau khi doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý I/2021, dù giá đã phản ánh từ trước. Ngược lại, những doanh nghiệp không có khả năng duy trì đà tăng trưởng trung và dài hạn mà giá cổ phiếu tăng nóng thì tất yếu sẽ điều chỉnh.

Lợi nhuận quý II/2021 của nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng, một phần do quý II năm ngoái là vùng đáy vì bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Do đó, dòng tiền sẽ ở lại thị trường chứng khoán để tìm cơ hội.

Hoàng Minh
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement