Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cổ phiếu ngân hàng còn lực kéo

Chứng khoán

15/04/2021 07:07

VN-Index sau khi thiết lập vùng đỉnh mới đang chịu áp lực điều chỉnh từ hoạt động chốt lãi, nhưng chỉ số được nhận định sẽ tiếp tục tăng và “đầu kéo” vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Nhiều yếu tố trợ lực

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc kéo chỉ số VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm, nhờ vào kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực cũng như dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là có thêm sự hỗ trợ từ dòng tiền của khối ngoại, đơn cử dòng vốn của Quỹ Fubon Vietnam ETF Fund.

Cùng với đó, Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN không mạnh tay yêu cầu trích lập dự phòng nợ xấu so với dự báo là yếu tố “trợ lực” cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Cụ thể, bên cạnh những quy định liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Thông tư 03 cho phép ngân hàng giãn thời gian trích lập các khoản nợ tái cơ cấu trong tối đa 3 năm. Đây được coi là bước đi cần thiết để hướng dẫn các tổ chức tín dụng xử lý những khoản nợ xấu vì Covid-19.

Ngoài ra, kế hoạch tăng vốn điều lệ chủ yếu thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu và triển vọng lợi nhuận tích cực của nhiều ngân hàng ngay cả trong kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức thấp đã giúp cổ phiếu ngân hàng bứt phá.

Đặc biệt, kết quả kinh doanh ước tính trong quý I/2021 của ngành ngân hàng đang cho thấy mức tăng trưởng cao. Chẳng hạn, Vietcombank (VCB) ước đạt 7.000 tỷ đồng lợi nhuận trong quý đầu năm, tương đương 28% kế hoạch cả năm và tăng khoảng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, VietinBank (CTG) ước lãi trước thuế 7.000 - 8.000 tỷ đồng trong quý I/2021; Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) ước đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2021, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2020.

Ngân hàng Quân đội (MBB) ước lãi gần 4.600 tỷ đồng trong quý đầu năm 2021. Các chỉ số về hiệu quả hoạt động của Ngân hàng ghi nhận tốt hơn cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,71% (cùng kỳ là 1,59%), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27,24% (cùng kỳ là 16,09%).

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, ngành ngân hàng đang ở vị thế tốt trong việc chống đỡ rủi ro và có thể tận dụng sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021 để làm bàn đạp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, nhiều ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí, giúp tăng hiệu quả hoạt động...

Theo thống kê sơ bộ của BSC với 11 ngân hàng niêm yết, kết quả kinh doanh quý I/2021 tăng trưởng bình quân 74% so với quý I/2020. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 100% so cùng kỳ gồm CTG, MBB, MSB, SeABank (SSB).

Công ty Chứng khoán BIDV nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 từ 28% lên 35%.

Công ty chứng khoán này đã nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 từ 28% lên 35%.

Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, bên cạnh dòng tiền khối nội mạnh mẽ giúp giá tăng mạnh, dòng vốn ngoại gián tiếp đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng thông qua các quỹ ETF, nhất là Quỹ ETF VFMVN Diamond, vì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã chạm ngưỡng tối đa.

Sự sôi động của Quỹ ETF VFMVN Diamond thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại khác cũng như nhà đầu tư nội. Yếu tố này cùng với mục tiêu tăng quy mô lên 8.000 tỷ đồng của Quỹ Fubon Vietnam ETF trong vòng 6 tháng cho thấy khả năng cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư.

Trước mắt, động lực giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tăng giá trong thời gian tới là kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I/2021 rất tốt và phần lớn các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng năm 2021 từ 30% trở lên.

Tuy mục tiêu tăng trưởng tín dụng hiện nay được cơ quan quản lý đặt ra ở mức thấp do lo ngại về tác động của dịch bệnh cũng như lạm phát, nhưng hầu hết nhà băng vẫn lạc quan về tình hình kinh tế nói chung, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn, tỷ lệ nợ xấu... nói riêng.

Giá còn dư địa tăng

Hiện tại, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt mức đỉnh lịch sử như VPB, MBB,TCB, BID, CTG…, nhưng nhóm cổ phiếu “vua” được nhìn nhận vẫn còn dư địa tăng.

Công ty Chứng khoán MB nhận định, cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới do có lợi thế về mặt thanh khoản cũng như đang được hưởng lợi từ các thông tin hỗ trợ.

Tuy vậy, mức tăng trưởng của các cổ phiếu không đồng đều. Thực tế, mức tăng giá cao kể từ đầu năm 2021 đến nay phần lớn tập trung ở các mã ngân hàng mà Nhà nước sở hữu chi phối như TCB, VPB, VIB, LPB… Sự phân hóa có thể là tín hiệu cho thấy giá cổ phiếu sẽ diễn biến tích lũy trước khi tạo mặt bằng mới.

Kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển sang đầu tư vào các cổ phiếu nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế, trong đó có ngân hàng.

Giá trị giao dịch ở nhóm ngân hàng chiếm 1/3 thanh khoản toàn thị trường chứng khoán nên nhóm cổ phiếu này đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường BSC cho rằng, “họ” VIC và ngân hàng là hai nhóm cổ phiếu chính thúc đẩy VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.

Vùng điểm hiện tại khá an toàn cho quá trình kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ cũ và khả năng dòng tiền luân chuyển giữa các dòng cổ phiếu sẽ sớm diễn ra.

Mặc dù có nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng cổ phiếu ngân hàng cần một quãng nghỉ để tích lũy, tạo thêm động lực sau một thời gian tăng giá tương đối dài.

BSC kỳ vọng, cổ phiếu CTG, TCB, MBB, VPB sẽ tiếp tục tăng, mức giá mục tiêu lần lượt là 50.00 đồng/cổ phiếu, 52.000 đồng/cổ phiếu, 34.800 đồng/cổ phiếu, 55.000 đồng/cổ phiếu.

Anh N.T. Minh, một nhà đầu tư tại TP.HCM nêu quan điểm, đà tăng giá của nhóm cổ phiếu “vua” phụ thuộc vào yếu tố nền tảng cơ bản của từng nhà băng và sự quan tâm của dòng tiền đầu tư trong từng thời điểm, tập trung vào các “đầu tàu”.

Thời gian tới, tầm ảnh hưởng của các cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ được san sẻ cho một số nhóm ngành khi dòng tiền tìm kiếm thêm các cơ hội khác.

HOÀNG MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement