Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Các giao dịch lan đột biến tiền tỷ hầu hết là ảo

Thị trường 24h

24/03/2021 09:21

Các chuyên gia cho rằng hiện tượng gây sốt ảo lan đột biến hiện nay là không mới, nhưng nếu không ngăn chặn sẽ dẫn đến tình trạng vỡ nợ dây chuyền, gây bất ổn xã hội.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết việc kinh doanh cây cảnh, bán cây cảnh nói chung (không chỉ có lan đột biến) hiện đang quản lý thu thuế bình thường như các loại hình kinh doanh khác.

Với các thương vụ bán lan đột biến với giá trị vài tỷ đồng cho tới vài chục tỷ đồng thời gian vừa qua, được nhắc tới trên mạng nhưng ngành thuế chưa xác định được dòng tiền chính thức ai phải trả.

nguon-goc-lan-gia-hac-5ct-bao-duy.jpg
Ngành thuế cho biết các giao dịch lan đột biến thời gian qua đa phần là giao dịch ảo. Ảnh minh họa

Theo bà Phương Lan, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương kiểm soát, giám sát xem doanh nghiệp hay cá nhân có giao dịch thật không. Nếu là doanh nghiệp kinh doanh mua bán thì phải kê khai thuế. 

Các thương vụ bán theo hình thức thương mại sẽ phải chịu nghĩa vụ về thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Còn với trường hợp người trồng lan đột biến đứng ra bán như sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tự tay trồng “do mình làm ra”, sẽ không chịu bất kỳ loại thuế nào, cho dù là giá cao đến đâu.

"Cá nhân nếu bán tài sản nào đó của mình (trừ bất động sản) sẽ không phải chịu thuế", bà Phương Lan cho biết trên Báo Chính phủ.

Từ năm 2020 đến nay, hàng loạt thương vụ mua lan đột biến với giá hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng liên tục diễn ra. Ngày 12/3/2021, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18,8 tỷ đồng tại Hà Nam.

Đến ngày 15/3, cộng đồng những người chơi lan đột biến sửng sốt trước thông tin một thương vụ chuyển giao lan đột biến (lan var) giữa vườn lan var Đất Mỏ (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) với 4 cá nhân trị giá gần 300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 3 cá nhân gồm FB Nguyễn Văn Minh, FB Nguyễn Tiến Hưng và vườn lan var Đất Mỏ chi nhánh Hải Phòng mua của vườn lan var Đất Mỏ cây lan Ngọc Sơn Cước với tổng giá trị 250 tỷ đồng.

lan.jpg
Ươm mầm phát triển cây lan đột biến mới. Ảnh: Zing

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về nguy cơ đối tượng kinh doanh lan đột biến trốn thuế (nếu có) bằng cách lách luật trao đổi sản phẩm trồng trọt để không phải đóng thuế, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam, cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. 

Ông cho biết các sản phẩm nông nghiệp khác cần sử dụng diện tích mặt đất, mặt nước nhất định mới làm được, nên cơ quan thuế dễ dàng xác định là người nông dân tự trồng trọt, không phải nộp thuế theo quy định.

Còn với cây lan thì lại không cần nhiều đất đai, có thể tận dụng khoảng không, trồng cây treo, hoặc các đối tượng kinh doanh vẫn có thể cắt ra mua đi bán lại hoặc trồng một thời gian mới bán. Các giao dịch lại không có hợp đồng, giấy tờ nên cơ quan thuế rất khó xác định là kinh doanh hoàn toàn.

Hiện qua tìm hiểu các nguồn thông tin ban đầu, ông Dương cho biết đa số các trường hợp buôn bán hoa lan đột biến là giao dịch giả. Các đối tượng dùng các “chiêu” đưa thông tin, gây sốt dư luận, với các mục đích khác nhau.  Cục Thuế Hà Nam đang giao các chi cục thuế liên quan tìm hiểu xác minh, thu thập thêm thông tin để có kết luận đầy đủ hơn.

Còn thông tin từ Tổng cục Thuế,  các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ gây xôn xao dư luận xuất hiện khắp nơi từ Phú Thọ, Hòa Bình đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế. Do các giao dịch đều ở dạng ảo hoặc hội nhóm, không hóa đơn, chứng từ, hoặc bán sang tay nên không có gì chứng minh được giá trị thực.

lan-2-1615965863048270797809.jpg
Một giao dịch lan đột biến được tung lên mạng xã hội.

Thực tế, các hiện tượng gây sốt ảo của “lan đột biến” không mới, giống hiện tượng “hoa tulip” trước đây. Nếu không sớm ngăn chặn sẽ dẫn đến tình trạng vỡ “bong bóng”, vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các vi phạm từ hoạt động tín dụng đen, nảy sinh những hệ luỵ gây bất ổn xã hội.

Cơ quan công an đã đưa ra cảnh báo về tình trạng người dân bỏ bạc tỷ đầu tư,  chăm sóc lan đột biến nhưng không bán được, hoặc bán được cây giá trị thấp, người trước lừa người sau gây ra hiện tượng “bong bóng”.  Chiêu của các đối tượng là dùng các giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người chơi từ các nơi về đầu tư, mua bán “chồng” số lượng lớn tiền mặt, hay khoe những câu chuyện thành công, để đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh người dân.

Về giao dịch lan đột biến Ngọc Sơn Cước 250 tỷ đồng tại Quảng Ninh đang gây xôn xao, ông Bùi Hữu Thanh, chủ vườn lan var Đất Mỏ trả lời báo chí khẳng định đây là giao dịch có thật. Tuy nhiên, số tiền trên là để mua cho toàn bộ 5.000 cây lan giống chứ không phải 1 cây.

Ông Thanh nói em trai ông là Bùi Hữu Giang đại diện vườn lan var Đất Mỏ đã ký văn bản thỏa thuận với ông Nguyễn Tiến Hưng (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) về việc mua bán lan đột biến, và được đại diện văn phòng công ty luật TNHH Nguyễn Linh chứng thực. Số tiền được bên mua trả dần trong suốt thời gian bên bán nuôi trồng.

Chủ vườn này cũng cho biết sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật, khi cơ quan thuế tính toán được số thuế phải nộp thì sẽ thực hiện theo đúng nghĩa vụ với Nhà nước.

Q.HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement