Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ đi trên con đường khác nhau như thế nào?

Doanh nghiệp

08/06/2021 07:10

Khi các công ty công nghệ Trung Quốc thích gieo hạt và ươm mầm, các công ty công nghệ Mỹ lại có xu hướng mua lại và sáp nhập.

Công ty công nghệ Mỹ - Trung có hướng đi khác biệt. Ảnh: Sina

Công ty công nghệ Mỹ - Trung có hướng đi khác biệt. Ảnh: Sina

Cuối tháng 5, JD Logistics, công ty chuyên mảng logistics của "gã khổng lồ" thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc, chính thức cập bến thị trường chứng khoán Hồng Kông, giá cổ phiếu tăng hơn 18% và tổng giá trị thị trường đạt gần 280 tỷ đô la Hồng Kông, trở thành công ty logistics lớn thứ hai tại Trung Quốc sau SF Express.

Kể từ năm ngoái, Baidu đã tuyên bố chia tách mảng phát triển tài chính độc lập của Xiaodu Technology, NetEase tách khỏi Cloud Music để tìm kiếm IPO ở Hồng Kông và thậm chí SF Express cũng tuyên bố chia tách mảng kinh doanh của mình.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đang mở ra một làn sóng chia tách các doanh nghiệp nhỏ.

Điều thú vị là các ông lớn của Mỹ do nhóm FAANG (Facebook - Amazon - Apple - Netflix - Google) đại diện vẫn duy trì tốc độ liên tục sáp nhập và mua lại. Vậy câu hỏi đặt ra là sự khác biệt trong sự phát triển của các công ty Internet công nghệ Trung Quốc và Mỹ đến từ đâu?

Tại sao các công ty công nghệ Trung Quốc thích tách mảng kinh doanh theo mô hình spin-off?

Các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ đi trên con đường khác nhau như thế nào? ảnh 1
Ảnh: Sina

Spin-off hay còn được gọi là "spin-out", là một pháp nhân độc lập được thành lập bởi một tổ chức mẹ (Parent Organization - PO) để khai thác tài sản trí tuệ.

Trên thực tế, việc tách mảng kinh doanh và niêm yết từ lâu đã là hoạt động cơ bản của các công ty công nghệ Internet ở Trung Quốc.

Ngay từ năm 2012, Alibaba đã tách Alipay và xây dựng một tập đoàn tài chính khổng lồ Ant Group xoay quanh việc từng bước cải thiện mảng kinh doanh thanh toán.

Năm 2016, Tencent đã hợp nhất mảng kinh doanh QQ Music với China Music Group thành lập Tencent Music Group, và cuối cùng đã hoàn thành niêm yết tại Mỹ vào cuối năm 2018.

Ngoài ra còn có Sina và Weibo, Tencent và Reading, Netease và Netease Youdao, Sohu và Sogou... đã có khá nhiều trường hợp thành công nổi tiếng trên con đường phát triển độc lập và niêm yết các doanh nghiệp con.

Theo Sina, có một số lý do chính khiến các công ty công nghệ Trung Quốc quan tâm đến cách tiếp cận này:

Thứ nhất, sự ra đời của các doanh nghiệp con mang đến một cơ chế khuyến khích tốt hơn, có lợi cho sự đổi mới và phát triển kinh doanh. Không khó để thấy rằng chỉ những công ty khổng lồ trưởng thành mới chọn tách ra một số mảng kinh doanh đổi mới đầy hứa hẹn, điều này phụ thuộc phần lớn vào những lợi ích cốt lõi có thể được chia sẻ bởi các công ty mẹ khổng lồ

Trong ngành công nghệ và Internet luôn thay đổi, sự cạnh tranh để tìm kiếm nhân tài rất khốc liệt và khi doanh nghiệp được tách ra để thành lập các công ty con, đội ngũ quản lý và các nhân viên quan trọng có động lực hơn để nhận ra sự thay đổi vai trò từ nhân viên đến cổ đông, và tăng sự nhiệt tình của họ đối với công việc, không ngừng cải thiện hiệu suất. Đây là một phương án thông minh để giữ chân và tạo động lực cho nhân tài.

Ví dụ, vào năm 2010, Sohu tuyên bố tách mảng kinh doanh tìm kiếm trực tuyến của Sogou để thành lập công ty con. Khi Wang Xiaochuan, cựu Giám đốc công nghệ của Sohu tiếp quản chức vụ CEO của Sogou, CEO công ty mẹ Sohu Zhang Chaoyang từng nói thẳng rằng việc tái tổ chức chiến lược này sẽ mang lại cho đội ngũ của Sogou một động lực tốt để làm việc.

Thứ hai, tách ngành kinh doanh phụ có nghĩa là doanh nghiệp sau có thể vượt qua những hạn chế phát triển do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mẹ và có thêm dư địa để tăng trưởng thị trường.

Điều này không có gì khó hiểu, hãy lấy việc Alibaba tách Alipay và thành lập Ant Financial làm ví dụ. Zhang Yong, Chủ tịch kiêm CEO của Alibaba, từng phân tích logic của việc chia tách Alipay: Nếu không chia tách, Alipay cũng chỉ là một bộ phận trong Taobao, sau khi chia tách, những cơ hội thị trường mà nó mang lại hoàn toàn rõ ràng hơn trong bối cảnh ban đầu.

Trước khi chia tách, Alipay chỉ đóng vai trò là công cụ thanh toán mua sắm ở Taobao. Sau khi chia tách, nó đã mở rộng các dịch vụ tài chính như quản lý tài sản, bảo hiểm, thanh toán hàng ngày, thẻ tín dụng ảo và hơn thế nữa trên cơ sở thanh toán.

Thứ ba, doanh nghiệp con sau khi tách ra có thể có một hệ thống đánh giá độc lập để có được mức tài chính và định giá trên thị trường hợp lý hơn, điều này cũng có lợi cho trọng tâm chiến lược của cả công ty mẹ và công ty con.

So với lĩnh vực kinh doanh nội bộ của một công ty, việc tách ra và thành lập một công ty mới có thể giảm bớt sự bất cân xứng về thông tin và cho phép thị trường hiểu đầy đủ về tình trạng kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của các công ty con, từ đó đưa ra định giá hợp lý hơn.

Sự phân tách cũng sẽ giúp công ty con thoát khỏi xích mích nội bộ giữa các bộ phận kinh doanh ở một mức độ nhất định và tập trung nhiều hơn vào chiến lược và nguồn lực có lợi hơn cho sự phát triển của sản phẩm và dịch vụ.

Các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ đi trên con đường khác nhau như thế nào? ảnh 2
Tập đoàn Sina của Trung Quốc, sở hữu nền tảng blog mạng xã hội Weibo

Cao Guowei, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Sina và chủ tịch Weibo, đã giải thích lý do của việc tách và niêm yết Weibo vào năm 2014. "Sau khi Weibo niêm yết độc lập, với hệ thống đánh giá độc lập, Sina có thể tự do lên kế hoạch tái lập kế hoạch phát triển dịch vụ tin tức Sina.com".

Ba nguyên nhân này đã ít nhiều thúc đẩy tâm lý muốn chia tách của các công ty công nghệ Internet trong nước. Trong những năm gần đây, môi trường khách quan ngày càng thuận lợi cho việc chia tách.

Tháng 12/2019, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã chính thức ban hành "Một số quy định về việc lập danh sách thí điểm trong nước các công ty con của các công ty niêm yết", giải quyết trở ngại cuối cùng cho các công ty trong việc tách và niêm yết trên sàn chứng khoán, và môi trường tổng thể đang trở nên thoải mái hơn.

Tất nhiên, việc chuyển nhượng cũng có một số nhược điểm, chẳng hạn như nó không có lợi cho giá cổ phiếu của công ty mẹ. Ví dụ như việc chào sàn IPO của JD Logistics có mức tăng mạnh nhưng giá cổ phiếu của JD.com đã giảm nhẹ, việc chia tách mảng kinh doanh con ở một mức độ nào đó là một khoản "lỗ" đối với công ty mẹ.

Chia tách "hấp dẫn" như vậy, sao FAANG lại không hứng thú?

Hầu hết, việc tách ra và niêm yết mang lại nhiều lợi thế hơn là bất lợi cho các công ty. Tuy nhiên, FAANG - năm gã khổng lồ về công nghệ Internet của Mỹ, không quan tâm đến chiến lược này. Thay vào đó, FAANG duy trì quan điểm chiến lược" thống trị ": mua lại và sáp nhập. Tại sao lại như vậy?

Ví dụ, vào năm 2020, Facebook đã liên tiếp mua lại nền tảng ảnh động GIF Giphy, công ty thị giác máy tính Scape Technologies, công ty học sâu Atlas ML, công ty khởi nghiệp CRM Kustomer, và cũng đã đầu tư vào nhiều công ty ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Một mặt, điều này phụ thuộc vào các lĩnh vực kinh doanh khác nhau của FAANG có liên quan chặt chẽ hơn và có rất ít đổi mới kinh doanh tách biệt khỏi lĩnh vực kinh doanh chính. Bất kể đầu tư, sáp nhập và mua lại hay đổi mới nội bộ, FAANG hầu hết phục vụ hoạt động kinh doanh chính.

Lấy Apple làm ví dụ. Phần cứng, phần mềm, nội dung âm nhạc và các mảng kinh doanh dịch vụ khác đã tăng nhanh trong những năm gần đây, tất cả những điều này đều xoay quanh mảng kinh doanh điện thoại di động và máy tính của Apple. Bằng cách xây dựng chiến lược sinh thái gồm phần cứng phần mềm dịch vụ, Apple vừa tạo ra nhiều lợi nhuận hơn vừa tạo ra các con hào kinh tế (moat) cho các mảng kinh doanh cốt lõi như điện thoại di động và máy tính của Apple.

Năm 2020, Apple đã mua lại 5 công ty về AI, trợ lý giọng nói và thị giác máy tính. Điều này vẫn nhằm tăng cường năng lực dịch vụ và sản phẩm kinh doanh chính của Apple.

Ngược lại, việc chia tách các công ty, đặc biệt là các công ty khổng lồ, cũng tương tự như việc chia tách các mối quan hệ lợi ích. Trong một môi trường mà hoạt động kinh doanh chính và hoạt động kinh doanh đổi mới có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, điều này sẽ làm suy yếu lợi thế toàn diện và sức mạnh tổng hợp của các công ty lớn.

Điều này chủ yếu thể hiện ở khoản "lỗ" mà công ty mẹ phải gánh chịu. Ví dụ, vào tháng 9/2014, eBay chia tách PayPal, một năm sau, PayPal được niêm yết với giá trị thị trường là 50 tỉ USD, đến năm 2019, giá trị thị trường đã tăng lên 110 tỉ USD. Mặt khác, công ty eBay ngày càng gặp bất lợi trong cuộc cạnh tranh với Amazon và giá trị thị trường của nó trong cùng kỳ năm 2019 chỉ bằng một phần ba của PayPal.

Vì vậy, một số người cho rằng chính sự chia tách đã khiến eBay bị gián đoạn hơn nửa năm, khiến nó bỏ lỡ doanh thu đỉnh cao của mùa lễ hội mua sắm 2015 và làm rối loạn chiến lược phát triển trong tương lai.

Theo Sina, điều này thực sự không thể tách rời với sự khác biệt rất lớn trong kế hoạch phát triển của các công ty Internet Trung Quốc và Mỹ khi họ chia tách các mảng kinh doanh con của mình.

Hai trường hợp của Alibaba - Alipay và eBay - PayPal rất giống nhau trong các lĩnh vực của họ, nhưng kết quả sau lại hoàn toàn khác nhau. Đó chính là vì các công ty Internet của Mỹ thường không còn liên quan sau khi chia tách, và chúng gần như tách rời nhau. Sau sự ra đời độc lập của PayPal, mặc dù một thỏa thuận hoạt động 5 năm đã được ký kết, nhưng chỉ 4 năm sau, eBay thông báo chấm dứt hợp tác với PayPal.

Mặt khác, các công ty Internet Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để duy trì trạng thái sức mạnh tổng hợp và phát triển nhóm sau khi chia tách các doanh nghiệp con của họ. Công ty mẹ sẽ không chỉ cung cấp sự linh hoạt và độc lập hơn cho các doanh nghiệp con mà còn hỗ trợ các nền tảng, tài nguyên, công nghệ, kênh và thậm chí cả nhân tài.

Công ty mẹ cũng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển tốt hơn của doanh nghiệp con. Alibaba và Ant Financial là ví dụ trực quan nhất.

Các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ đi trên con đường khác nhau như thế nào? ảnh 3
Ảnh: Sina

Tuy nhiên, lựa chọn "gom về một mối" không phải là không có vấn đề, sức ảnh hưởng của công ty sẽ ngày càng lớn và gây ra tình trạng độc quyền. Áp lực chống độc quyền từ chính phủ luôn là yếu tố chính gây ra sự bất mãn của các đại gia Mỹ. Cuộc xung đột kéo dài 4,5 năm, vắt sang cả thế kỷ 21, giữa Microsoft và Bộ Tư pháp Mỹ khiến sức mạnh và tầm ảnh hưởng của gã khổng lồ phần mềm dần suy yếu.

Mới tháng 10 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo điều tra chống độc quyền đối với 4 gã khổng lồ công nghệ: Google, Apple, Facebook và Amazon. Trong bản báo cáo dài 440 trang này, 4 gã khổng lồ có "quyền lực độc quyền" trong các lĩnh vực kinh doanh chính và đã lạm dụng vị trí thống lĩnh của họ trên thị trường, đề xuất những thay đổi sâu rộng đối với luật chống độc quyền.

Điều này có nghĩa là mặc dù FAANG không muốn tách mảng kinh doanh phụ theo cả khía cạnh chủ quan và khách quan, nhưng nó vẫn phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là bị chia rẽ bởi các chính sách chống độc quyền trong tương lai gần.

Nhìn chung, dù là tách doanh nghiệp con để hoạt động, phát triển và niêm yết độc lập hay tiếp tục sáp nhập, mở rộng công ty mẹ đều có mặt lợi và mặt hại.

Trong nhiều trường hợp, đây thực sự là sự lựa chọn của một doanh nghiệp trong các môi trường khác nhau, các thời kỳ khác nhau và các điều kiện khác nhau. Tóm lại, các công ty Internet Trung Quốc thích gieo hạt và ươm mầm, trong khi các công ty Internet Mỹ có xu hướng "chất đống phân bón" và trồng một cái cây thật lớn và tươi tốt.

THANH HÀ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement