Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bộ Y tế đàm phán với Anh mua 30 triệu liều vaccine COVID-19

Quản trị

04/01/2021 15:29

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã đàm phán với Công ty AstraZeneca của Anh, họ đảm bảo cho 15 triệu dân với 30 triệu liều vaccine COVID-19.

Sáng 4/1, ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2021, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Trả lời báo chí về lộ trình Việt Nam mua vaccine COVID-19 đến thời điểm này,  Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết hiện nay, mới có 4 nước có vaccine COVID-19. Một là Anh có vaccine của Công ty AstraZeneca, hai là Mỹ có vaccine của Công ty Pfizer, thứ ba là Nga có vaccine Sputnik 5 và thứ tư là Trung Quốc.

"Hiện chúng tôi đang đàm phán, và tất cả các đơn vị đều yêu cầu chúng tôi ký một biên bản bảo mật thông tin. Tuy nhiên, đến nay, có thể một số thông tin cũng đã được công khai", Thứ trưởng nói.

Theo đó, Bộ Y tế đã ký được với Công ty AstraZeneca của Anh. Doanh nghiệp này đảm bảo cho 15 triệu dân với 30 triệu liều. Theo lộ trình thì quý I, quý II, quý III, quý IV đều có vaccine.

Với Mỹ, Thứ trưởng Cường cho biết Công ty Pfizer cũng theo lộ trình và giai đoạn cuối cùng của hợp đồng, là đến quý IV/2021.

Còn riêng Nga, Bộ Y tế đang đàm phán, để có thể sản xuất theo chuyển giao công nghệ của Nga tại công ty trực thuộc Bộ Y tế.

Bộ Y tế cho biết đã ký được với Công ty AstraZeneca của Anh mua vaccine COVID-19. Ảnh minh họa
Bộ Y tế cho biết đã ký được với Công ty AstraZeneca của Anh mua vaccine COVID-19. Ảnh minh họa

Cũng theo Thứ tưởng Trương Quốc Cường, trong đàm phán còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, ngoài cung cấp ra thì giá chênh nhau không nhiều, phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, điều kiện thanh toán cũng như giao hàng.

"Còn một điều kiện nữa là công tác lâm sang. Hiện nay, các vaccine COVID-19 đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ, thấp nhất có loại 65%, cao nhất 94,5%, trung bình là từ 80-90%. Tất cả nội dung này chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, và nếu trong trường hợp cần thiết sẽ xin ý kiến của Bộ Chính trị. Liên quan đến vấn đề tiêm và một số nội dung khác chưa có tiền lệ đối với Việt Nam", lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm.

Bộ Y tế cho biết thực hiện nghiệm túc chỉ đạo của Chính phủ, để làm sao người dân sớm tiếp cận được vaccine và đặc biệt, có sự giám sát rất chặt chẽ của các bộ, ngành.

Ngoài vaccine thương mại, trên thế giới còn có tổ chức gọi là COVAX Facility, là một liên minh vaccine toàn cầu. Tổ chức này mua vaccine của một số công ty để cung cấp cho 90 nước, trong đó có Việt Nam. Việt Nam được tham gia vào chương trình này và được cấp số lượng vaccine cho khoảng 16% người dân với giá rẻ nhất có thể, và được bù lỗ.

Tuy nhiên, mấu chốt là các nước sản xuất vaccine cũng đang chưa chủ động được, vì năng lực sản xuất chưa đủ để sản xuất với số lượng lớn. Ông Cường cho biết có lẽ trong quý I/2021 mới có đầy đủ thông tin để lên kế hoạch.

Liên quan đến gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn đại dịch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp tốt nhất cho nền kinh tế trong 2021. Trong báo cáo đánh giá, Bộ cũng báo cáo với Chính phủ lộ trình năm nay, tình hình COVID-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, và còn kéo dài thêm một số năm sau đó.

Vaccine COVID-19 được cho là cuộc đua của các nền kinh tế trong năm 2021. Ảnh: Reuters
Vaccine COVID-19 được cho là cuộc đua của các nền kinh tế trong năm 2021. Ảnh: Reuters

Ông Phương cho rằng các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của 2021. Nhiệm vụ này đòi hỏi theo dõi, nắm bắt tình hình thường xuyên, chặt chẽ, mới đề ra được giải pháp phù hợp.

Về lộ trình mở cửa giao thương hành khách, lãnh đạo Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết việc mở cửa phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn rất phức tạp, trong khi vaccine chỉ mới có thông tin ban đầu, và cũng chưa khẳng định việc tiêm vaccine trong năm 2021 là bảo đảm an toàn.

"Đặc biệt là có sự khác biệt về phạm vi, quy mô của việc tiêm vaccine. Có nước tiêm được nhiều, nước được ít, cũng như khả năng bao quát, bao phủ của tiêm vaccine, do vậy chưa có đủ thông tin để khẳng định có thể mở cửa giao thương lại vận tải hành khách", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc mở cửa nền kinh tế với ý nghĩa là giao thương hành khách phải có những bước đi, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán 2021.

Các bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng về việc xem xét mở lại giao thương về mặt phạm vi, quy mô, các địa bàn quốc gia có thể mở được để đảm bảo sự an toàn cao nhất.

Q.HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement