Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Quan hệ Mỹ-Trung sẽ ra sao nếu Biden đắc cử?

Kinh tế thế giới

27/08/2020 08:36

Cựu Phó Tổng thống Biden nắm lợi thế nhất định trước cuộc bầu cử, nhiều người đặt câu hỏi quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao nếu ông Biden thắng cử.

Theo nguồn tin trên asiatimes.com, ngày 26/8, hai sự kiện gần đây được xem như một dự báo về sự thay đổi trong chính quyền ở Washington - một sự thay đổi mà không cần sự giúp sức của Quỹ Dân chủ Quốc gia, tổ chức có mục tiêu thúc đẩy thay đổi chính quyền tại các quốc gia ngoài Mỹ.

Việc Steve Bannon bất ngờ bị bắt giữ hồi tuần trước báo hiệu sự suy yếu của một mắt xích khác trong “cỗ máy” Donald Trump. Bannon, cựu chiến lược gia tranh cử và cũng là cố vấn thân cận của Trump, bị cáo buộc biển thủ công quỹ và rửa tiền. Nếu bị kết án, Bannon sẽ là nhân vật mới nhất có tên trong danh sách “nhóm lừa đảo thân cận” với vị đương kim tổng thống. 

Một sự kiện quan trọng khác là việc đảng Dân chủ đã chính thức xác nhận Joe Biden là ứng cử viên đại diện cho đảng này ra tranh cử vào tháng 11 tới. Bài phát biểu chấp nhận đề cử của Biden được đánh giá là mạnh mẽ, có tầm nhìn và sắc bén. Vị ứng cử viên của đảng Dân chủ không hề biểu lộ bất kỳ dấu hiệu nào của tuổi già và sự lập cập mà Trump thường gán cho ông. Biden đã nói về những gì ông sẽ làm trên cương vị tổng thống Mỹ nhằm kiểm soát dịch COVID-19, củng cố nền kinh tế, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tiếp tục đấu tranh cho sự công bằng sắc tộc. 

Trong suốt bài diễn văn dài 25 phút, Biden không một lần khoe khoang về bản thân, và theo ông, khác biệt lớn nhất giữa Joe Biden của đảng Dân chủ với Donald Trump chính là sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối.    

Đảng Dân chủ đã chính thức xác nhận Joe Biden là ứng cử viên đại diện cho đảng này ra tranh cử vào tháng 11 tới.
Đảng Dân chủ đã chính thức xác nhận Joe Biden là ứng cử viên đại diện cho đảng này ra tranh cử vào tháng 11 tới.

Nếu trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, Biden sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là bù đắp những thiệt hại mà Trump đã gây ra cho nước Mỹ sau 4 năm cầm quyền đầy náo loạn. Thị trường cổ phiếu đạt được những cột mốc cao, song nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tồi tệ. Tỷ lệ thất nghiệp chạm mức kỷ lục, trong khi số doanh nghiệp nhỏ buộc phải đóng cửa gia tăng nhanh chưa từng thấy. 

Để khôi phục nền kinh tế, chính quyền của Biden sẽ cần làm việc với mọi bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là quốc gia đầu tiên phục hồi từ COVID-19. Nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ có quan hệ chặt chẽ với nhau, và chắc chắn sự hồi phục của Trung Quốc sẽ tạo hiệu ứng tích cực tới sự hồi phục của Mỹ.

Điều này, tất nhiên chỉ xảy ra nếu Biden có thể đảo ngược thế đối đầu “đôi bên cùng thiệt hại” với Trung Quốc, điều vốn đã vô nghĩa ngay từ trong tiềm thức. Việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được xem như cách để trừng phạt các nhà sản xuất Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vào đó, chính những người tiêu dùng Mỹ mới là “nạn nhân”, bởi họ phải trả tiền nhiều hơn cho hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia “công xưởng của thế giới”. Xét cho cùng, tác động tổng thể từ quyết định áp thuế này chính là làm tăng chi phí sinh hoạt của mọi người dân Mỹ.    

Việc tăng các chi phí sản xuất tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất chuyển hạ tầng và dây chuyền về Mỹ. Trên thực tế, các hoạt động sản xuất cần nhiều lao động và giá trị thấp đã dịch chuyển tới châu Á từ nhiều thập kỷ trước, và các đòn thuế của Trump trên thực tế chỉ đơn thuần là buộc các nhà sản xuất bên kia đại dương tìm kiếm điểm đến ở các quốc gia chi phí thấp khác như Việt Nam hay Bangladesh. Công nhân Mỹ vẫn thuộc nhóm được trả lương cao nhất thế giới, vì vậy sẽ là quá ngây thơ hoặc ảo tưởng nếu người ta hy vọng các hoạt động sản xuất này sẽ đưa về Mỹ. 

Chính quyền Trump phát động một cuộc chiến tranh thương mại và cho rằng Trung Quốc sẽ không đáp trả, song trên thực tế Trung Quốc cũng đã có những hành động đáp trả mạnh mẽ. Hệ quả là người nông dân Mỹ phải trả một giá đắt khi không thể tiếp cận với thị trường lớn nhất của họ. Sau 2 năm giảm doanh số và thu nhập, một số đã phá sản và số khác đang phải nghĩ cách để tồn tại qua mùa trồng trọt mới.   

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đẩy Trung Quốc tới bờ vực chiến tranh với những lập luận đầy mơ hồ, nếu không muốn nói là vô căn cứ. Chiến lược của Pompeo đối với Trung Quốc rõ ràng là một thảm họa đối với nước Mỹ. Biden vẫn có cơ hội để loại bỏ lựa chọn đối đầu này và thực hiện một bước đi quyết đoán để tái khởi động mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Biden không cần phải mềm mỏng với Trung Quốc và cũng không cần “chiều chuộng” các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. Ông chỉ cần nhìn vào thực tại và không cần tỏ ra giả tạo. Joe Biden nên cân nhắc các lợi ích của việc “chấp nhận” Trung Quốc thay vì tiếp tục đối mặt với những hậu quả từ sự đối đầu như cách mà Pompeo và Trump lựa chọn.

Việc bãi bỏ cuộc chiến thương mại sẽ ngay lập tức giúp 2 bên bình thường hóa quan hệ thương mại và giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi. Nhiều công ty Trung Quốc sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào thị trường Mỹ và đang chờ một động thái chào đón từ phía Washington. Rất nhiều trong số những khoản đầu tư này có kèm theo bí quyết sản xuất và vốn để sản xuất các hàng hóa cho riêng thị trường Mỹ. Và có lẽ cũng không thừa khi nói rằng, các khoản đầu tư này sẽ tạo ra việc làm cho người lao động Mỹ.    

Một số công ty Trung Quốc hiện đã có mặt tại Mỹ để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như lắp ráp xe điện ngầm đời mới nhằm thay thế những phương tiện cũ đã có tuổi thọ trên 50 năm. Họ có thể làm được nhiều hơn nữa nếu giới lãnh đạo ở Washington có thể kiềm chế quan điểm bài ngoại của mình. 

Một trong các động cơ thúc đẩy quan điểm chia tách 2 nền kinh tế Mỹ-Trung của Ngoại trưởng Pompeo chính là nhằm cản trở hoạt động của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, Huawei. Chính quyền Mỹ đã bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu, con gái của người sáng lập tập đoàn; khép chặt cánh cửa tiếp cận thị trường không chỉ tại Mỹ và còn nhiều quốc gia khác. Và khi những động thái này dường như không đủ để chặn đứng Huawei, Mỹ tiếp tục dừng nhập khẩu công nghệ bán dẫn từ doanh nghiệp này, một việc làm đem lại những hệ quả nghiêm trọng. 

Trong ngắn hạn, các công ty bán dẫn của Mỹ sẽ để mất nhiều tỷ USD doanh thu từ khách hàng lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất. 

Trong dài hạn, có thể là từ 3 tới 5 năm, Huawei sẽ tìm cách tự xoay xở khi không có công nghệ từ Mỹ. Khi kịch bản này xảy ra, các công ty Mỹ sẽ không chỉ mất đi một khách hàng quan trọng mà còn phải đối mặt với một đối thủ kinh doanh mạnh mẽ. Đối thủ này sẽ không chỉ là bản thân Huawei mà là cả hệ sinh thái các công ty Trung Quốc trong nền công nghiệp bán dẫn hợp tác với Huawei. 

Huawei không phải là công ty Trung Quốc duy nhất có sự tiến bộ công nghệ hơn các công ty Mỹ. Việc sử dụng điện thoại thông minh trong thanh toán di động và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện khuôn mặt và giọng nói là một số ví dụ tiêu biểu khác. Mỹ sẽ lãng phí tài nguyên khi cố gắng loại bỏ những tiến bộ công nghệ này. Việc hợp tác giữa 2 quốc gia tiên tiến về công nghệ có thể mang lại những lợi ích cho cả đôi bên bởi có cho thì mới có nhận lại. Lấy một ví dụ, tập đoàn Qualcomm đã nhận được 1,8 tỷ USD phí bản quyền từ Huawei trong năm vừa qua.

Trung Quốc cũng đã có những nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu suốt 4 năm qua, một việc mà Tổng thống Trump không hề làm. Kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một mục tiêu chung của 2 nước. Mỹ có thể tận dụng những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực kiểm soát môi trường để tạo ra việc làm mới, những việc làm dựa trên công nghệ xanh.

Trung Quốc có quy mô dân số gấp 4 lần Mỹ. Xét một cách tổng thể, người dân Trung Quốc được giáo dục tốt và nhiệt huyết, và hơn 90% trong số này tin tưởng vào chính phủ của họ. Việc nền kinh tế Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Mỹ được dự đoán là điều tất yếu sẽ xảy ra và Washington nên quen dần với sự thực này. Có một nền kinh tế lớn hơn Mỹ không có nghĩa Trung Quốc sẽ lấn át Mỹ. Trung Quốc đã học được bài học từ 5.000 năm lịch sử rằng hòa bình dẫn tới ổn định, và ổn định khiến xã hội thịnh vượng. Ngay cả khi Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vượt qua Mỹ trong vài năm tới, sự thịnh vượng mà người dân nước này có được cũng sẽ không thể sánh được với các công dân Mỹ. 

Trung Quốc vẫn giữ nguyên mong muốn hợp tác với Mỹ, và nước Mỹ sẽ có lợi nếu “Tổng thống” Biden tìm được cách để hợp tác cùng Trung Quốc. Sự đồng hành của Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến cộng đồng quốc tế quay trở lại với niềm tin rằng Mỹ đã trở về vị thế lãnh đạo toàn cầu “có lý lẽ và biết điều”. Chính quyền mới của Joe Biden có thể sẽ giành lại được sự trân trọng mà Pompeo đã để mất.

(Nguồn: asiatimes.com)

TRÚC BÌNH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement