Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bất động sản nghỉ dưỡng: Coi chừng 'bánh vẽ'

Đưa ra mức cam kết lợi nhuận 8 – 12%/ năm, nhưng liệu các chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng, condotel có đủ khả năng để thực hiện chi trả cho khách hàng?

Vài năm trở lại đây, bất động sản nghỉ dưỡng đang nổi lên như một phân khúc tiềm năng của thị trường bất động sản.Hàng trăm dự án, nhất là ở những khu vực có bờ biển đẹp như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... thi nhau ra đời.

Để cạnh tranh, nhiều chủ đầu tư đã tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi cũng như chiêu thức bán hàng để thu hút người mua.

Trong đó, phổ biến nhất chính là đưa ra cam kết về mức lợi nhuận mà khách hàng sẽ nhận được trong những năm đầu tiên khi tham gia mua sản phẩm của dự án. Mức cam kết này, dao động nhiều nhất từ 8 – 12%.

Chẳng hạn, tại dự án Aloha Beach Village tại Phan Thiết do Tập đoàn Việt Úc làm chủ đầu tư, chủ đầu tư đã đưa ra cam kết lợi nhuận 3 năm đầu tiên là 10%. Sau 3 năm, khách hàng sẽ được chia sẻ 75% lợi nhuận tổng số tiền từ việc cho thuê, công ty vận hành sẽ được 25%.

Chưa dừng lại ở đó, khách hàng sẽ được 20 ngày nghỉ dưỡng mỗi năm tại chính căn condotel mà mình đã mua hoặc một căn tương tự trong dự án.

Trong khi đó, tại tổ hợp dự án nghỉ dưỡng Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư, chủ đầu tư đã cam kết lợi nhuận tối thiểu 12% cho khách mua nhà.

Thêm vào đó là 15 đêm nghỉ dưỡng mỗi năm, cũng như được hỗ trợ lãi suất 0% trong vòng 18 tháng hay ngân hàng cho vay 60% giá trị hợp đồng trong 15 năm...

Nhiều dự án khác cũng được chủ đầu tư chào mời hấp dẫn như Ariyanan Nha Trang với mức lợi nhuận tối thiểu mà khách hàng thu được là 40% (đối với căn hướng biển) và 50% (đối với căn hướng thành phố).

Mức lợi nhuận từ 9 – 12% cũng là con số mà chủ đầu tư các dự án Panaroma Nha Trang, AB central square Nha Trang đưa ra để “chiêu dụ” khách hàng.

Thế nhưng, việc có thực hiện được cam kết như trên hay không, đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư trăn trở.

Tỷ suất sinh lời của bất động sản nghĩ dưỡng dễ trở thành "bánh vẽ" cho giới đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển,việc cam kết lợi nhuận trong thời gian dài (trên dưới 10 năm) thì bản chất giống như trái phiếu (tức lợi nhuận ổn định) chứ không phải là hoạt động kinh doanh.

Trên thực tế, ngay cả những người làm kinh doanh cũng không thể chắc chắn được tỷ suất sinh lời của condotel hay biệt thự nghỉ dưỡng phải từ 10% trở lên để trả cho khách hàng.

Do đó, khi cam kết lợi nhuận 8% hay 10% thì không có nghĩa là dự án biệt thự nghỉ dưỡng hay condotel đó phải sinh lợi 8% hay 10%/ năm mà chẳng qua đây là nghĩa vụ của chủ đầu tư sẽ chi trả cho khách hàng như cam kết.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, xét ở góc độ kinh tế hiện nay, những dự án biệt thự nghỉ dưỡng, condotel có khả năng sinh lời 10%/ năm là rất khó. Một phần bởi hiệu suất cho thuê phòng tại các dự án, một phần bởi tiền thu được còn phải quay vòng để chi trả cho nhiều dịch vụ kèm theo.

Nhưng nếu vậy, chủ đầu tư sẽ dùng phần tiền nào để chi trả cho khách hàng nhưcam kết?

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, một dự án bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bao gồm nhiều phần, nhiều hạng mục như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi... của chủ đầu tư. Do đó, trong tổng thể toàn dự án, sẽ có nhiều khoản thu khác nhau. Trong đó, có thu trực tiếp từ hoạt động kinh doanh và thu từ đầu tư bất động sản.

Ban đầu, chủ đầu tư sẽ bán đi một số căn biệt thự nghỉ dưỡng hay condotel để lấy tiền thực hiện dự án. Sau đó, sẽ sử dụng tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh để chia sẻ lợi nhuận đã cam kết với khách hàng.

Một chuyên gia bất động sản khác thì cho rằng, trên thực tế, việc cam kết sinh lợi của dự án bất động sản nghỉ dưỡng, condotel chỉ là một chiêu bài “lấy mỡ nó rán nó”.

Cụ thể, theo chuyên gia này, hầu hết các dự án bất động sản hiện nay đều phải vay tiền từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Mức lãi suất có thể dao động từ 8 – 15% tùy theo quan hệ giữa đôi bên.

Như vậy, với việc cam kết tỷ suất sinh lời 8 – 12%, các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, condotel thay vì phải đi vay tiền ngân hàng hay các tổ chức tín dụng (vốn tốn rất nhiều thời gian, công sức) thì sẽ huy động ngay chính nguồn vốn của khách hàng để thực hiện dự án.

Thêm vào đó, hiện nay giá của các biệt thự nghỉ dưỡng,condotel đang khá cao so với các dự án căn hộ cùng phân khúc. Điều này khiến cho nhà đầu tư, dù được cam kết tỷ suất sinh lợi cao, nhưng trên thực tế đã chịu “thiệt thòi” ngay từ lúc đặt bút ký hợp đồng.

Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc bán được một sản phẩm biệt thự nghỉdưỡng hay condotel không phải là chuyện dễ dàng. Điều đó khiến cho chủ đầu tư muốn bán được sản phẩm, phải làm nhiều cách khác nhau, từ khuyến mãi cho đến cam kết về lợi nhuận.

Thế nhưng, trước khi có ý định đầu tư vào dự án nào, khách hàng cần phải xem xét kỹ thỏa thuận mà chủ đầu tư đưa ra, bởi có những trường hợp chỉ là quảng cáo.

Ví dụ, “một dự án có 100 căn hộ với 100 hợp đồng. Nhưng chỉ có 1, 2 hợp đồng nào đó mà chủ đầu tư thực hiện đúng, từ đó họ có cơ sở lý luận để quảng cáo về việc tôi trả tiền lời theo đúng cam kết. Hay có những trường hợp, chủ đầu tư thòng trong hợp đồng là cam kết lãi suất 12% trong trường hợp là chủ đầu tư phải cho thuê được hoặc có nguồn khách hàng thứ 3, hợp đồng như vậy khác nào đánh đố khách hàng”, TS. Lê Bá Chí Nhân chia sẻ.

Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, việc cam kết lợi nhuận 10% hay 12% chắc chắn đã nằm trong tính toán của mỗi chủ đầu tư. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu thị trường đi theo chiều hướng tốt. “Nếu kinh tế khó khăn, dòng tiền không có thì làm gì có ai đi nghỉ dưỡng để dự án có thể sinh lời”.

TS. Lê Bá Chí Nhân cũng cho rằng, trên thị trường, có nhiều dự án cam kết về tỷ suất sinh lời nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế. Đó là nếu chủ đầu tư nào cũng làm được như cam kết, thì tại sao lượng hàng tồn bất động sản lại ngày một phình to như hiện nay.

Thực tế cho thấy, sau giai đoạn bùng nổ 2014 – 2016, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, condotel đã có sự suy giảm trong thời gian vừa qua.

“Một khi mã lực mua không có, thì đừng nói đến việc cho thuê. Bởi chủ đầu tư chưa bán, cho thuê hết sản phẩm của mình, thì không có lý do gì họ lại đem sản phẩm của khách hàng đi cho thuê để sinh lợi”, TS. Nhân đánh giá.

Chính vì thế, thay vì chỉ nhìn vào mức lợi nhuận mà chủ đầu tư cam kết, khách hàng, nhà đầu tư cần phải có cái nhìn đúng đắn, đánh giá được tiềm năng của thị trường. Nếu không, những cam kết nói trên dễ trở thành một cái “bánh vẽ” khiến khách hàng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

MINH NGHĨA
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement