Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Bao bì Biên Hoà kinh doanh ra sao trước khi về tay người Thái?

Doanh nghiệp

15/12/2020 12:51

Có tuổi đời hơn 50 năm, Bao bì Biên Hoà luôn có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt. Năm 2019, doanh thu hơn 1.700 tỷ, lãi hơn 140 tỷ đồng.

TCG Solutions, công ty con của Thai Containers Group, thành viên Tập đoàn Siam Cement (SCG) sẽ mua lại hơn 94% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (Sovi - mã: SVI). Đồng thời, 7/8 ghế HĐQT và 2/3 thành viên Ban Kiểm soát của doanh nghiệp này sẽ về tay người nước ngoài. Trong đó, ông Suchai Korprasertsri sẽ vào ghế Chủ tịch HĐQT. Vị này hiện là Giám đốc của TCG Solutions kiêm Giám đốc điều hành của Thai Containers Group.

Doanh nghiệp bao bì giấy hàng đầu Việt Nam

Sovi được xem là “tượng đài” với lịch sử hoạt động bền bỉ trong ngành bao bì carton của Việt Nam. Được thành lập từ năm 1968, Sovi được biết đến là nhà máy đầu tiên sản xuất bao bì gợn sóng ở miền Nam với dây chuyền thiết bị công nghệ của Nhật Bản có công suất thiết kế 4.000 tấn/năm.

Năm 1978, nhà máy được tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy Bao bì Biên Hoà, trở thành doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Sở Công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1997, Bao bì Biên Hoà được đầu tư mới dây chuyền công nghệ và thiết bị để nâng công suất lên 20.000 tấn/năm. Từ đó, Sovi trở thành nhà máy sản xuất bao bì gợn sóng hàng đầu Việt Nam.

Sovi trở thành nhà máy sản xuất bao bì gợn sóng hàng đầu Việt Nam từ khoảng 20 năm về trước. Ảnh: SVI
Sovi trở thành nhà máy sản xuất bao bì gợn sóng hàng đầu Việt Nam từ khoảng 20 năm về trước. Ảnh: SVI

Đến năm 2003, Sovi được cổ phần hoá và trở thành Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa như hiện nay. Bao bì Biên Hoà chuyên sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa; bột giấy, giấy và bìa (sản xuất giấy); buôn bán nguyên vật liệu sản xuất bao bì và giấy,… Sản phẩm của doanh nghiệp này được các công ty hàng đầu Việt Nam và các liên doanh nước ngoài ký hợp đồng cung cấp dài hạn như Lever Việt Nam, Kinh Đô, Bibica, Coca-Cola,…

Năm 2005, Sovi cải tiến dây chuyền sản xuất đưa năng suất sản xuất hộp giấy in offset lên 3.000 tấn/năm. Năm 2007, Bao bì Biên Hòa một lần nữa đầu tư mở rộng thêm nhà máy bao bì carton với diện tích 4,5 ha tại Khu công nghiệp Biên Hòa, nâng tổng công suất thiết kế sản phẩm lên 40.000 tấn/năm. Đến năm 2013, nhà máy bao bì carton ở Mỹ Phước, Bình Dương chính thức đi vào hoạt động với công suất giai đoạn đầu là 30.000 tấn/năm.

Bao bì Biên Hoà có 4 nhà máy với tổng công suất lên tới 100.000 tấn/năm. Ảnh: SVI
Bao bì Biên Hoà có 4 nhà máy với tổng công suất lên tới 100.000 tấn/năm. Ảnh: SVI

Cuối năm 2008, Bao bì Biên Hoà chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Trên sàn HOSE, mã SVI không quá đình đám và được chú ý, song thị giá cổ phiếu này liên tục tăng từ mức 2.000-3.000 đồng lên gần 56.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Doanh thu nghìn tỷ, lãi trăm tỷ

Song song với động thái liên tục đầu tư mở rộng, Bao bì Biên Hòa cũng nhiều lần tăng vốn, hiện vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 128 tỷ đồng. Với khối lượng sản xuất 90.000 tấn bao bì carton và 10.000 tấn bao bì thực phẩm đóng gói mỗi năm, doanh thu của Sovi giai đoạn 2006-2018 cũng tăng đều đặn. Có giai đoạn doanh thu tăng với cấp số nhân.

Công ty cho biết thêm, xu hướng thương mại điện tử ngày càng tăng cũng như chiến dịch giảm thiểu đồ nhựa đang thúc đẩy nhu cầu trong ngành giấy bao bì lên mức cao. Tuy nhiên,  công ty này thường chịu ảnh hưởng khi tỷ giá biến động do đặc thù nguồn nguyên liệu đầu vào cùng với trang thiết bị, dây chuyền sản xuất chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Trong đó, khoảng 50% nguyên liệu được nhập từ các đối tác và thanh toán bằng USD. 

Bao bì Biên Hoà nhận gia công cho nhiều đối tác lớn. Ảnh: SVI
Bao bì Biên Hoà nhận gia công cho nhiều đối tác lớn. Ảnh: SVI

Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất giấy phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào khi giá vốn hàng bán chiếm khoảng 80% trong cơ cấu chi phí. Giá nguyên vật liệu tăng cao đã làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Bao bì Biên Hoà, nguyên nhân là do cầu tăng nhưng thiếu hụt nguồn cung. Theo đó, lợi nhuận có phần biến động và giảm giai đoạn 2016-2018.

Đến năm 2019, doanh thu của Bao bì Biên Hoà đạt 1.703 tỷ đồng, giảm gần 5% so với năm trước. Đây là năm đầu tiên kể từ 2006, doanh thu của doanh nghiệp này đi lùi. Tuy nhiên tỷ lệ giá vốn/doanh thu đã được cải thiện đáng khích lệ, còn khoảng 82%. Điều này giúp biên lợi nhuận gộp được đẩy lên mức 17,5%.

Lãi ròng sau khi giảm 3 năm liên tiếp đã tăng lên với tốc độ cực nhanh, đạt 141 tỷ đồng, tức tăng tới 2,3 lần. HĐQT Sovi giải trình, lợi nhuận tăng đột biến là do tái cấu trúc bộ máy hoạt động, nâng cao năng suất, cắt giảm các khoản chi phí lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đáng nói, tình trạng nợ vượt vốn, nhất là nợ ngắn hạn, diễn ra liên tiếp từ 2006-2018 cũng chấm dứt. Trước đây, tình trạng này diễn ra là nhằm hạn chế rủi ro về nguyên liệu cũng như tỷ giá. Sovi có xu hướng mua hàng tích trữ, dẫn đến khoản phải trả người bán ghi nhận giá trị lớn trên báo cáo tài chính.

Lo ngại ngành bao bì về tay ngoại quốc

Trước việc SVI về tay người Thái, từ hồi tháng 6/2020 Bộ Công Thương đã khẳng định vụ việc này không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018. Tuy vậy, việc một doanh nghiệp bao bì nội địa lâu năm vẫn kinh doanh tốt như SVI bỗng một ngày thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp "xứ Chùa vàng" vẫn là một điều tiếc nuối với ngành bao bì Việt.

Nhiều doanh nghiệp bao bì trong nước cũng đang đứng trước áp lực có thể sẽ bị thâu tóm khi nhiều nhà đầu tư ngoại rất chuộng “món lời” M&A. Cách chế biến trên áp dụng vào thực đơn đa dạng trong khu vực đang rất ăn khớp và hợp khẩu vị, nhất là các “con mồi” trong lĩnh vực bao bì, giấy carton của Việt Nam.

Một đánh giá của Thời báo Kinh doanh cho thấy, hơn 80-90% thị trường giấy bao bì trong nước do các công ty sản xuất bao bì nước ngoài chiếm lĩnh. Trong đó, các doanh nghiệp Thái Lan chiếm một phần đáng kể.

Mối lo ngại bao bì Thái lấn sân thị trường nội địa thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp trong nước thực ra đã được cảnh báo từ cách đây 5 năm khi chính Siam Cement Group cũng mua 80% cổ phần của Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) và tăng gấp đôi năng lực sản xuất nhà máy của họ đặt ở Bình Dương.

Siam Cement Group từng thâu tóm Bao bì nhựa Tín Thành. Ảnh: Batico
Siam Cement Group từng thâu tóm Bao bì nhựa Tín Thành. Ảnh: Batico

Diễn biến thị trường gần đây cũng cho thấy, các doanh nghiệp bao bì ngoại không còn chuộng bao bì nhựa, mà dần chuyển qua “săn” mảng bao bì giấy, bao bì thực phẩm và bao bì đồ uống. Cách săn mồi này còn nổi trội trong bối cảnh thị trường chung đang có nhu cầu ngày càng cao trong việc đóng gói bao bì thực phẩm, nông sản, đồ uống nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường xuất khẩu cũng như thị trường trong nước.

Không những vậy, đánh giá của Công ty FPTS, bao bì thực phẩm và bao bì đồ uống là 2 loại sản phẩm bao bì có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất trên thế giới. Chỉ riêng nhu cầu tiêu thụ bao bì thực phẩm đã được dự báo sẽ đạt mức 1.788 tỷ sản phẩm vào năm 2022. Bản thân các khách hàng của ngành bao bì giấy cũng đang có bước tiến vượt bậc. Có thể kể đến như thị trường sữa và đồ uống, được cho là sẽ tăng gấp đôi lượng tiêu thụ trên đầu người ở Việt Nam khi lên đến 28 lít trong năm nay, trong khi thị trường nước trái cây tươi và nước cốt trái cây dự kiến cũng sẽ tăng 17,5% trong 5 năm tới.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement